Trong quý 1 năm 2023, nhiều ngày hội việc làm quy mô đã được các trường ĐH, CĐ tổ chức để kết nối doanh nghiệp với sinh viên và đã tạo được hàng ngàn chỗ làm mới cho lao động trẻ, sinh viên…
Đại diện doanh nghiệp phỏng vấn sinh viên tại Ngày hội việc làm vừa diễn ra ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Sinh viên, lao động trẻ kiếm việc ở đâu?
Trong một hoạt động gần đây nhất, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã kết nối được trên 5.000 vị trí việc làm cho người lao động trên địa bàn TP.HCM, tỉnh lân cận. Đây là một trong những nỗ lực phát huy mạng lưới hơn 500 doanh nghiệp và hàng trăm ngàn cựu sinh viên thành đạt của trường, giúp sinh viên, người lao động nắm bắt những vị trí việc làm tốt nhất tại những doanh nghiệp uy tín ở Việt Nam và tại TP.HCM.
Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cũng vừa phối hợp Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức ngày hội việc làm, kết nối nguồn nhân lực giáo viên tương lai với các đơn vị tuyển dụng là trường học.
Với đặc thù là ngày hội việc làm chuyên cho sinh viên sư phạm, ngày hội được sự tham gia tuyển dụng của hơn 30 trường, hệ thống trường mầm non quốc tế, tư thục trên địa bàn TP.HCM. ThS. Nguyễn Nguyên Bình (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, phía nhà đào tạo, trường mong muốn có thêm những thông tin về thị trường lao động, xu thế việc làm… để từ đó điều chỉnh chương trình và phương pháp tổ chức đào tạo giáo viên nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn nhân lực.
Còn tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngày hội thực tập và việc làm năm nay được tổ chức vào 14-5 với quy mô lớn gồm hơn 70 doanh nghiệp, hơn 140 gian hàng. Đáng chú ý, trường còn song song tổ chức ngày hội trực tuyến trên nền tảng 3D để sinh viên thuận tiện tham dự.
Trong khuôn khổ ngày hội, bên cạnh các phố ẩm thực, phố sách và các hoạt động văn hóa văn nghệ, tọa đàm “Dự báo nhu cầu nhân lực khối kinh tế – kinh doanh quản lý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2023-2030” cũng là một trong những sự kiện nổi bật.
Dệt may, giày da, chế biến gỗ, xây dựng… gặp khó khăn
TS. Đỗ Thanh Vân (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết, trong quý 1 năm 2023, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho 80.654 lượt người; đạt gần 27% kế hoạch năm. Cũng trong quý 1 này, thành phố đồng thời tạo ra 35.575 chỗ làm việc mới; đạt gần 26% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của ông Vân, thị trường lao động TP.HCM trong quý 1 năm nay chứng kiến một số lĩnh vực gặp khó khăn như: Dệt may, giày da, chế biến gỗ, bất động sản, xây dựng. Trong khi đó, một số lĩnh vực khác lại có tín hiệu tích cực là: Du lịch – nhà hàng – khách sạn, vận tải – kho bãi, công nghệ ô tô và công nghiệp phụ trợ, sản xuất lương thực – thực phẩm…
Ông Vân dự báo, trong quý 2-2023, dự kiến nhu cầu nhân lực của TP.HCM là 67.000 – 73.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm hơn 86%. Cụ thể, lao động trình độ ĐH trở lên chiếm 20,1%; CĐ chiếm 18,9%; TC chiếm 27,4%; sơ cấp chiếm 20,4%. Còn nhu cầu nhân lực lao động chưa qua đào tạo (lao động phổ thông) chiếm khoảng 13%.
Ông Vân đề cập một số tiêu chuẩn phát triển nghề nghiệp mà sinh viên, bạn trẻ cần đạt được, chính là: Nắm vững chuyên môn nghiệp vụ; trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm, chứng chỉ nâng cao; tuân thủ chặt chẽ những quy định trong công việc; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật liên quan đến lao động.
Để phát triển nghề nghiệp, ông Vân cho rằng, người lao động, nhất là sinh viên cần tìm đúng nghề; xây dựng giá trị hành nghề; biết xác định mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp. Ông cũng khuyên các lao động trẻ, sinh viên mới ra trường cần xây dựng lòng chung thủy với công việc, với nơi làm việc; tránh “nhảy việc” quá nhiều khiến doanh nghiệp tuyển dụng ngao ngán hoặc mất lòng tin.
M.Tâm
Bình luận (0)