An toàn, ít bụi bặm và tiết kiệm chi phí nên xe buýt được hầu hết sinh viên lựa chọn để đi lại. Tuy nhiên, chuyện bị móc túi lấy mất điện thoại, ví tiền xảy ra thường xuyên khiến nhiều người e ngại.
Các đối tượng móc túi lợi dụng khi đông đúc, chen lấn lên xuống xe để lấy bóp tiền, điện thoại – Ảnh: MINH TRÂM
Thu Trang, sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM, kể: "Mình hay đi xe số 19. Hôm đó mình ngồi ghế phía trong, xe đi được một đoạn thì có một thanh niên tầm 30 tuổi lên xe, ngồi cùng hàng ghế với mình. Anh ta kêu mình mở giùm cửa kính ra cho thoáng và mình đã xoay qua mở.
Đến trạm kế tiếp, anh ta xuống xe. Một bác ngồi ghế sau nói mình kiểm tra xem có mất gì không, và mình đã bị mất cả ví tiền, điện thoại. Mình để balô phía trước và ôm rất kỹ, có thể tên đó lợi dụng lúc mình xoay qua mở cửa kính đã móc balô".
Hồng Diễm, sinh viên ĐH Kinh tế – Luật, cũng gặp trường hợp tương tự: "Hôm đó mình đi xe số 8, xe đông và nhiều người phải đứng nhưng mình có ghế ngồi. Mình cầm điện thoại lướt Facebook, tới Suối Tiên thì cất vào túi áo khoác.
Tới trạm Khoa học tự nhiên, mình phát hiện mất điện thoại. Mình đã theo xe về bến rồi năn nỉ bác tài cho xem camera, nhưng bác nói đó là bọn móc túi chuyên nghiệp, không làm gì được nữa đâu, báo công an có khi nó quay lại trả thù.
Bác còn nói nhiều khi tận mắt nhìn thấy tụi nó móc điện thoại của sinh viên mà cũng không dám cản, sợ tụi nó quay lại trả thù, chặn xe".
Các đối tượng móc túi thường lợi dụng lúc xe đông đúc, chen lấn, lúc lên xuống, xe thắng gấp, có khi bọn chúng cũng dàn cảnh để thực hiện hành vi móc túi lấy tài sản của nhiều người.
Mặt khác, chính sự chủ quan, ý thức bảo vệ tài sản cá nhân của nhiều sinh viên chưa cao, khiến các đối tượng móc túi càng dễ thực hiện hành vi xấu.
Ở làng đại học Thủ Đức, các tuyến xe số 8, 19, 33… hàng ngày luôn đông nghẹt sinh viên, nhất là vào các khung giờ cao điểm, nên móc túi xảy ra rất thường xuyên.
Yến Ngọc, sinh viên ĐH KHXH&NV, kể: "Do bất cẩn và thiếu cảnh giác, mình bị móc túi 2 lần. Lần đầu là trên xe số 33, lúc xuống xe chen lấn, xô đẩy, mình mang balô phía sau nên bị móc mất điện thoại.
Lần hai trên xe 52, mình bỏ điện thoại trong túi áo khoác cũng bị lấy mất. Mình thấy người lấy nhưng không có bằng chứng, lại sợ chúng đi cùng đồng bọn, điện thoại mình có thể đã được chuyền sang người khác đem xuống xe nên mình không thể làm gì".
Yến Ngọc cho biết thêm: "Thường bọn móc túi đi thành nhóm khoảng 2-3 người, đội mũ lưỡi trai sụp xuống mặt, đeo khẩu trang, mang balô trước ngực để dễ dàng cất đồ móc được, đồng thời giả dạng thành sinh viên tránh sự nghi ngờ của mọi người. Chúng mang theo áo khoác, không mặc mà vắt trên tay để dễ hành động, khó phát hiện.
Trên xe buýt, chúng thường lân la ở ngay cửa lên xuống, dù xe vẫn còn rất nhiều ghế trống. Họ thường cố ép sinh viên vào bên trong hoặc các góc có đông người đứng, kể cả khi xe vẫn còn rộng để dễ móc túi, mở balô lấy tài sản".
Sinh viên chờ xe buýt buổi sáng tại khu vực ký túc xá khu B (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: THANH NGUYỄN
Nạn móc túi thường xuyên xảy ra trên xe buýt khiến nhiều người e ngại, nhưng đây lại là phương tiện di chuyển rất tiện lợi, phù hợp với nhu cầu và không thể thiếu của sinh viên.
Kim Thanh, sinh viên ở quận Thủ Đức, chia sẻ: Mình đi học, đi làm thêm, đi chơi đều bằng xe buýt, chỉ tốn 2.000 đồng cho một lần đi vì có thẻ sinh viên. Mỗi lần lên xe, khách đều được các bác tài hoặc tiếp viên nhắc nhở cẩn thận để tránh bị móc túi, nên đeo balô trước ngực, đặc biệt không nên ngủ, không nghe nhạc bằng tai nghe quá say sưa".
Thanh còn khuyên các bạn sinh viên không nên mang nhiều tiền, vật dụng có giá trị, không mở ví, cầm điện thoại nhiều để tránh bị bọn xấu để ý. Cô cũng thường xuyên đọc thông tin, dấu hiệu nhận dạng của một số nhóm móc túi chuyên nghiệp được các nạn nhân chia sẻ trên các trang mạng xã hội (fanpage, confession) để biết và đề phòng.
Bình luận (0)