Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên lo “ngay ngáy” vì tăng giá điện

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 20.12.2011 giá điện bán lẻ sẽ tăng lên mức 1.304 đồng/kwh (tăng thêm 62 đồng/kwh so với giá cũ). Lợi dụng tình hình này, nhiều chủ nhà trọ cũng chuẩn bị ồ ạt “vào mùa” tăng giá điện.
 

Chủ nhà lại “Té nước theo mưa”
Không giấu nổi nỗi bức xúc trên khuôn mặt, Hiền (sinh viên ĐH Mỏ) đang trọ tại Chèm cho biết, ngay sau khi thông tin giá điện vừa công bố sẽ tăng, chủ nhà đã “ngỏ ý” tháng sau sẽ tăng lên 4.000 đồng/kwh, và tuyên bố nếu ai không chịu được thì có thể chuyển đi.
 
Hiền cho biết: “Bây giờ các chủ nhà trọ đều “a dua” theo nhau tăng giá, nên dù có chuyển đi thì cũng khó tìm được chỗ nào giá rẻ, hợp với sinh viên nên đành “ngậm bồ hòn” cho qua”.
 
Một bạn sinh viên khác đến từ trường Tài Chính thì than thở, đây không phải là lần đầu tiên chủ nhà tăng giá vì “ăn theo” nhà nước tăng giá. Còn nhớ cách đây hơn 2 tháng nhà nước có đưa ra chính sách tăng lương, chủ nhà ngay lập tức nói “bóng gió” và tăng tiền nhà.
 
Bạn cho biết: “Hiện nay các phòng trọ trung bình ở Hà Nội là 700.000-800.000 đồng/tháng cho các vùng ngoại thành, còn nội thành từ 1 triệu đồng trở lên. Mỗi lần tăng tiền nhà cũng phải tăng từ 50.000-100.000 đồng/phòng, lại công thêm tiền điện từ 500-1000 đồng/kwh thì chủ nhà quá lời, còn sinh viên quá thiệt”.
 
Bên cạnh nhiều chủ nhà thẳng thừng tăng giá, không quan tâm đến bức xúc của sinh viên, thì một số chủ nhà khác lại “khéo hơn”, biến việc “té nước theo mưa” thành việc “buộc” phải làm.
 
Bạn Cường (ĐH Giao thông Vận Tải) cho biết: “Cũng tăng giá điện, nhưng chủ nhà rất niềm nở, họ than là do các nhà trọ xung quanh tăng giá, mình không tăng không được, sinh viên chúng mình biết là chiêu “kêu nghèo, kể khổ” của chủ nhà nhưng vẫn buộc lòng phải đóng tiền trong ấm ức”.
Nhiều sinh viên lo lắng trước việc tăng giá điện và phải chuẩn bị lên kế hoạch tiết kiệm điện.
Nhiều sinh viên lo lắng trước việc tăng giá điện và phải chuẩn bị lên kế hoạch tiết kiệm điện.
 
“Luyện” tiết kiệm điện
Thay vì lướt web 12 tiếng/ngày, Hùng (ĐH Mỏ) quyết định lên kế hoạch cho công việc lướt web, vào mạng của mình. Bạn cho biết: “Sau khi biết tháng sau tăng giá điện, mình quyết định chỉ bật máy khi cần thiết, thay vì chơi game mình sẽ tập thể thao hoặc làm một việc gì đó để không phải sử dụng điện nhiều”.
 
Nhiều bạn nam sinh viên cũng khẳng định, việc số điện hàng tháng tăng ngất ngưởng chủ yếu do thức đêm chơi game, để bỏ được thói quen này thì cần có thời gian, tuy nhiên giá điện tăng, tiền bố mẹ cho hàng tháng cũng hạn chế nên đành phải “luyện” tiết kiệm điện.
 
Đồng, trọ tại xóm 7, Cổ Nhuế thật thà: “Tiền điện bây giờ đã là 4.000 đồng/kwh, hàng tháng cũng mất gần 400.000 đồng tiền điện. Nên dù muốn hay không mình cũng phải giảm chơi game”.
 
Các bạn sinh viên nữ thì tiết kiệm điện dễ hơn nhiều so với nam sinh viên. Mặc dù các bạn nữ ít lướt web, chơi game nhưng cũng lên kế hoạch tiết kiệm điện.
 
Hoa (HV BC&TT) chia sẻ: “Bình thường mình hay quên tắt đèn khi ra ngoài, hoặc sử dụng xong máy tính không rút ổ cắm. Bây giờ mình sẽ cố gắng nhớ những việc đó”. Bạn cũng cho biết, thay vì ở nhà vào mạng, bạn sẽ tập thể dục mỗi chiều, đến nhà bạn bè giao lưu vào những ngày nghỉ, hoặc đơn giản sẽ tắt các thiết bị điện khi không cần thiết dùng.
 
Tuy nhiên, những chiêu “đối phó” tiết kiệm điện của sinh viên khi chủ nhà tăng giá điện không thực sự hiệu quả khi không có sự quan tâm thật sự của nhà nước. Bởi vì không chỉ riêng giá điện tăng, chỉ cần lương tăng, vật giá tăng thì sinh viên lại phải đối mặt với nỗi lo tăng tiền điện, tiền nước, tiền nhà…và nhiều khoản tiền nữa.
 
Được biết, năm 2009, Bộ Công thương đã ban hành thông tư quy định về việc người thuê trọ sẽ được hưởng giá điện ưu đãi từ cơ quan phân phối điện. Tuy nhiên thông tư đó dường như vẫn chỉ được thực thi trên giấy tờ, còn thực tế sinh viên vẫn phải chịu đóng tiền điện với giá cao gấp 3-4 lần giá ưu đãi. Và không biết đến bao giờ, quyền lợi của những người đi ở trọ như người lao động, sinh viên mới được quan tâm thực sự hay chỉ là trên lý thuyết?
Theo Tuệ Chi
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)