Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên lúng túng khởi nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên tìm kiếm thông tin thị trường lao động tại Ngày hội việc làm do Trường ĐH Công nghệ TP.HCM mới tổ chức. Để tránh lúng túng trong khởi nghiệp, các bạn trẻ cần năng tham gia những hoạt động thiết thực như thế này…

Nhiều sinh viên khao khát khởi nghiệp từ rất sớm nhưng lại lúng túng, chần chừ không biết bắt đầu từ đâu… Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp đánh giá sinh viên chưa chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho khởi nghiệp.
Buổi gặp gỡ các sinh viên với doanh nhân trong khuôn khổ chương trình phát động giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức mới đây, vấn đề làm sao để khởi nghiệp thành công ngay từ thời còn ngồi ghế giảng đường được nhiều bạn trẻ đặt ra nhất.
Khởi nghiệp ngay từ ghế nhà trường
Dù thực sự quan tâm, nhưng con đường khởi nghiệp hiện nhiều bạn trẻ vẫn hết sức… mơ hồ. Ông Trần Ngọc Thái Sơn – Giám đốc điều hành Tiki.vn – khẳng định việc khởi nghiệp không hề dễ dàng và không phải ai làm cũng thành công. Để khởi nghiệp, các bạn trẻ cần đam mê, kinh nghiệm và nhiều yếu tố khác nữa. Thế nhưng, nhìn vào lớp trẻ hiện nay, ông Sơn thấy ở họ cả sự năng động lẫn tính thiếu kiên nhẫn và nôn nóng. Những điều này khiến quá trình khởi nghiệp của người trẻ khó đạt được mong muốn.
Ngay chính bản thân các bạn trẻ cũng đối diện với muôn vàn lo lắng, chẳng hạn làm sao để khởi nghiệp thuận lợi, đảm bảo “an toàn”, hạn chế rủi ro hoặc tránh ảnh hưởng đến học tập. Một sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing bày tỏ: “Sinh viên mong muốn khởi nghiệp nhưng lại băn khoăn giữa hai lựa chọn, cụ thể nên chú trọng kiến thức chuyên môn hay “vươn” sang những kiến thức tổng hợp khác mà doanh nghiệp cần để dễ dàng tiếp cận thị trường lao động”. Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ tin học HPT – nhận định sinh viên đang sở hữu khoảng thời gian quý báu, nên tập trung cho việc học tập, tích lũy kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, trong bối cảnh năng động hiện nay, kiến thức chuyên môn thôi chưa đủ. Các bạn trẻ còn cần kết nối thêm kiến thức nhiều lĩnh vực khác. Theo ông Ngô Vi Đồng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần xác định đam mê lẫn mục tiêu để lập kế hoạch theo đuổi.
Ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam – cũng cho rằng, thiếu đam mê, việc khởi nghiệp của sinh viên khó đi về đích. Tuy nhiên, ông Hải khuyên các bạn trẻ tránh đam mê quá nhiều thứ, thay vào đó, cần tạo sự ổn định, lâu dài. Nhìn nhận quãng đời sinh viên là thời điểm “đẹp” để các bạn trẻ khởi nghiệp vì không phải vướng bận, lo toan cuộc sống gia đình hoặc chịu những áp lực khác, tuy nhiên ông Trần Ngọc Thái Sơn lưu ý sinh viên nên thực hiện những dự án vừa sức để tích lũy kinh nghiệm. Thậm chí, trong trường hợp phải trải qua nhiều lần khởi nghiệp thất bại, sinh viên cũng không nên chùn bước mà cần rút kinh nghiệm từ những dự án trước để thực hiện tốt lần sau.
Sẵn sàng tâm thế khởi nghiệp
Vấn đề “làm chủ” hay “làm thuê” cũng được nhiều sinh viên đặt ra trong câu chuyện khởi nghiệp. Các em băn khoăn nên “làm thuê” trước cho một đơn vị, doanh nghiệp… để tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh hay có thể thực hiện dự án khởi nghiệp ngay. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, sinh viên có thể tự khởi nghiệp bằng dự án riêng hoặc bắt đầu tại một công ty nào đó. Nhưng dù bằng con đường nào, các em chỉ có thể khẳng định được bản thân khi nỗ lực hết mình, có quá trình chuẩn bị nghiêm túc.
Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food – cho rằng, dù “làm thuê” hay tự “làm chủ” bằng dự án khởi nghiệp riêng, sinh viên đều cần trang bị kỹ năng tốt. Bà Lâm đánh giá, sinh viên hiện còn để trống quá nhiều thời gian, chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khởi nghiệp. Thực tế, có một bộ phận không nhỏ sinh viên chỉ chú tâm tích lũy kiến thức chuyên môn mà quên trang bị kỹ năng thành thạo. Trong khi chỉ giỏi kiến thức chuyên môn, chưa hẳn sinh viên đã đáp ứng tốt công việc khi vào thực tế.
Ngoài ra, cộng sự đắc lực cùng đồng hành xuyên suốt quá trình khởi nghiệp cũng được đại diện các doanh nghiệp nhấn mạnh với các bạn trẻ. Bởi không phải dự án khởi nghiệp nào cũng thuận lợi hoặc thành công ngay từ lần đầu tiên. Dù đã được hỗ trợ từ công nghệ hiện đại hay những điều kiện khác, sinh viên vẫn có thể gặp khó khăn nếu chỉ thực hiện khởi nghiệp đơn lẻ, thiếu “chỗ dựa” từ cộng sự đồng hành…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)