Nhịp cầu sư phạm

Sinh viên mang di sản văn hóa phi vật thể đến gần hơn với giới trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, tại Trường Cao Đẳng FPT Polytechnic cơ sở TP.HCM (Công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM) đã diễn ra chương trình nghệ thuật múa rối nước “Trăng hoạ thuỷ đình” đầy hấp dẫn và mới lạ.

Một tiết mục mùa rối nước trong “Trăng họa thủy đình”

 

Chương trình nghệ thuật múa rối nước “Trăng họa thủy đình” do nhóm “Hội” là sinh viên ngành truyền thông và tổ chức sự kiện Trường Cao Đẳng FPT Polytechnic cơ sở TP.HCM thực hiện với ý nghĩa mang văn hóa nghệ thuật múa rối nước – được xem là tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam – đến gần hơn với khán giả miền Nam và đặc biệt các khán giả trẻ tuổi ở thế hệ GenZ. Thông qua chương trình giúp các bạn trẻ biết đến các nghệ thuật văn hoá dân tộc nhiều hơn để giữ gìn, lưu truyền và phát triển.

 

Chương trình nghệ thuật “Trăng họa thủy đình” mở màn với phần trình diễn đến từ ban nhạc với sự hòa tấu giai điệu độc đáo và mới lạ để mang đến không khí vui tươi, nơi giải trí và thưởng thức âm nhạc của các bạn trẻ ngày nay với hai ca khúc quen thuộc là “Đừng làm trái tim anh đau” và “Vũ trụ có anh”.

Nhóm kịch Bèn Pan đầy năng lượng tươi trẻ

 

Đêm hội không đơn thuần là những vở múa rối quen thuộc mà còn có sự xuất hiện của hai nhân vật đại diện cho giới trẻ dẫn dắt xuyên suốt nhằm mở ra những thắc mắc về sự đổi mới sáng tạo của múa rối nước trong hành trình Nam tiến. Đồng thời còn có sự xuất hiện của nhân vật bác Ba Phì – nhân vật thay thế cho Tễu – một hình ảnh tiêu biểu của múa rối nước nhằm mang lại cảm giác gần gũi thân thương với bà con miền Nam.

 

Ấn tượng nhất là đoạn kết của chương trình với màn kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Người và rối kết hợp độc đáo và sáng tạo thông qua ca khúc nêu cao tinh thần dân tộc “Việt Nam trong tôi là” tạo nên một bầu không khí đầy tự hào và đáng nhớ. Tiết mục được coi  là sự hứa hẹn sẽ có nhiều sáng tạo trong tương lại của nghệ thuật rối nước như mong muốn của các bạn sinh viên khi làm chương trình này.

Giảng viên – MC Quốc Bình ( thứ 5 từ trái sang) cùng các bạn sinh viên nhóm “Hội”

 

Đặc biệt, nhóm kịch Bèn Pan với năng lượng tươi trẻ đã mang đến cho sự kiện một câu chuyện gần gũi, lối dẫn dắt dễ thương, hóm hỉnh nhưng cũng đầy giá trị nhân văn cho chương trình “Trăng họa thủy đình” lần này.

 

Anh Vũ – Chủ đoàn múa rối nước Dừa Xanh chia sẻ: “Ngay từ lúc trò chuyện với các bạn trong nhóm mong muốn và chia sẻ về dự án có chủ đề nghệ thuật múa rối nước lần này, tôi cảm thấy cũng rất vui vì cảm nhận được sự quan tâm trân trọng từ phía các bạn trẻ đối với bộ môn nghệ thuật dân gian của dân tộc. Khi nghe các bạn trình bày mong muốn được tổ chức và kết hợp đổi mới thì ngay lập tức tôi đã muốn bắt tay vào làm ngay với các bạn. Tôi luôn hi vọng là không chỉ bộ môn nghệ thuật múa rối nước nói riêng mà còn tất cả những nghệ thuật dân gian văn hóa truyền thống khác sẽ có được sự quan tâm nhiều hơn nữa đến từ thế hệ GenZ cũng như gìn giữ và phát huy đổi mới ngày một trở nên bền vững hơn với đời sống văn hóa Việt Nam”.

Các khán giả trẻ say mê theo dõi chương trình

 

Chương trình nghệ thuật múa rối nước “Trăng họa thủy đình” đã góp phần tiếp nối những giá trị truyền thống, giúp các bạn trẻ thêm yêu những gì vốn có của dân tộc theo một cách rất mới mẻ.

 

Khép lại dự án, nhóm sinh viên đã truyền tải những thông điệp, giá trị của văn hóa nghệ thuật đến với cộng đồng nói chung và thế hệ khán giả miền Nam nói riêng. Không chỉ dừng lại ở đó mà còn góp phần vào việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cho con người và đất nước Việt Nam.

Anh Khôi

Bình luận (0)