SV miền Nam được “hóa thân” thành những cô gái Bắc tại Liên hoan ẩm thực |
Tranh thủ làm thêm trong dịp diễn ra liên hoan ẩm thực “Thăng Long trong lòng Nam bộ” do Sở VH-TT&DL TP.HCM tổ chức tại Khu du lịch Văn Thánh mới đây, nhiều sinh viên (SV) đã “sưu tập” thêm cho mình những hiểu biết mới về văn hóa Bắc bộ. Đây còn là một dịp làm thêm đầy ý nghĩa với các bạn…
Ai mua rau không?
Tiêu chuẩn đầu tiên để được “lọt” vào vòng tuyển chọn là các bạn phải nói được giọng… Bắc. Đối với những SV vốn quê gốc Bắc thì dễ “đậu” rồi, riêng một số bạn miền Nam, để được nhận vào làm họ phải học nói giọng Bắc. Huỳnh Thị Thùy Trang (Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM) trước đây vẫn hay phục vụ nhà hàng tại Văn Thánh vào các ngày cuối tuần để kiếm thêm chi phí trang trải việc học. Dịp này, bạn rủ thêm 4 người bạn cùng phòng đi… ứng tuyển nhưng cả phòng chỉ duy nhất có một bạn gốc Bắc. Thế là tối tối sau giờ học bài, bạn SV này bất đắc dĩ trở thành… cô giáo hướng dẫn các bạn mình nói giọng Bắc. “Tập được mấy ngày, cũng tạm “nhuyễn” rồi, nhưng lúc khách tham quan đến đông nên run quá, tụi em rao bị lộn sang cả tiếng miền Nam” – Trang cười tươi kể về “tai nạn nghề nghiệp” khó quên của mình. Còn Nguyễn Thị Kim Tiến (Khoa Thư viện Thông tin, Trường ĐH Văn hóa) lại vui sướng với lần đầu tiên được đội nón quai thao. Kim Tiến kể: “Hồi trước, nhiều người e thẹn khi cầm nón quai thao, em thấy là lạ. Hóa ra, là phía trong chiếc nón còn có gương nhỏ để soi”. Cả buổi, “cô gái Bắc” nhỏ nhắn này được giao nhiệm vụ bán rau. Trong đó, nhiều loại rau cô chưa từng gặp, cũng có loại cô biết trước rồi nhưng cách gọi khác xa miền Nam. Thế là, Tiến phải vừa ngồi bán, vừa tranh thủ nhẩm… cho nhớ mấy tên rau. Dương Thị Mỹ Dung (Khoa Kế toán, ĐH Công nghiệp) lại cứ cười hoài vì lần đầu tiên thấy người ta hút thuốc lào. Có những du khách người miền Nam thử hút, vì không quen nên cứ ho sặc sụa. Vị khách khác thì sơ ý làm đổ hết cả nước trong ống điếu ra…
Vừa làm vừa học
Sinh ra và lớn lên tại miền Tây nên khi tham gia chương trình này, được súng sính mặc áo tứ thân khiến cô SV Huỳnh Thị Thùy Trang hết sức vui, nhưng riêng bạn Nguyên Hoa (Trường ĐH Văn Hiến) lại có cảm xúc khác. “Quê hương em tận Thanh Hóa, em xa gia đình vào đây học đã hơn 2 năm rồi. Khung cảnh ở đây khiến em nhớ nhà và nhớ quê quá!” – Hoa tâm sự. Trong nhóm, ai cũng phục vì tài rao điệu nghệ của Hoa. Rao “sành”, không chỉ đơn giản vì Hoa xuất thân xứ Bắc mà vì từ nhỏ, cô bạn đã thường hay phụ mẹ đi bán su hào, bắp cải ngoài chợ. Là con nhà nông, cả nhà sống nhờ vào mẩu ruộng, việc gánh rau, gánh lúa đã không còn xa lạ với Hoa từ thuở còn là cô học trò trường làng. Gia đình còn khó khăn, ngoài giờ học, bạn tranh thủ đi làm thêm kiếm được đồng nào hay đồng đó để trang trải chi phí học thêm, sách vở… Dương Thị Mỹ Dung cũng mách nhỏ: “Ba mẹ em không ủng hộ em đi làm thêm thế này vì muốn em dành thời gian và tâm sức học tập. Em lại thích đi làm thêm, tuy mệt nhưng vui. Sau dịp này, em có thêm nhiều bạn và khám phá được nhiều nét độc đáo của văn hóa Bắc”. Minh Thành (ĐH Văn Hiến) cũng thổ lộ, có nhiều khi bán, khách hỏi nhiều về món này món kia. “Bí” quá, tối về các bạn phải thức đêm mày mò tìm hiểu thêm kiến thức “phục vụ” khách. “Sau liên hoan này, em thu thập được khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của miền Bắc. Đâu cần phải đi đâu xa, em sẽ dành thời gian tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa miền Bắc cũng như các vùng miền khác trên đất nước mình, hay quá chị ạ!” – Thành bày tỏ.
Đi làm thêm về mệt nhưng các bạn vẫn chong đèn học bài đến tận khuya vì những ngày này họ cũng đang bước vào kỳ thi căng thẳng. “Ham làm nhưng tụi em vẫn không quên nhiệm vụ học tập đâu chị. Quan trọng là mình biết cách sắp xếp lịch học hợp lý và tranh thủ tận dụng thời gian rảnh rỗi là mọi việc cũng ổn. Nhóm em có đến 3 bạn hay đi làm thêm mà kỳ nào các bạn cũng đảm bảo kết quả học tập tốt đó chị” – Minh Thành (ĐH Văn Hiến) cho biết.
M.T
Trong nhóm, ai cũng phục vì tài rao điệu nghệ của Hoa. Rao “sành”, không chỉ đơn giản vì Hoa xuất thân xứ Bắc mà vì từ nhỏ, cô bạn đã thường hay phụ mẹ đi bán su hào, bắp cải ngoài chợ. Là con nhà nông, cả nhà sống nhờ vào mẩu ruộng, việc gánh rau, gánh lúa đã không còn xa lạ với Hoa từ thuở còn là cô học trò trường làng. |
Bình luận (0)