Khoảng 75% sinh viên không biết về 8 ngành nghề được di chuyển tự do trong Cộng đồng kinh tế ASEAN mặc dù các em đang theo học chính các ngành này.
Đại diện doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng sinh viên TP.HCM |
Con số trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học trẻ “Tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN đến học sinh, sinh viên và lao động trẻ tại TP.HCM” do Thành đoàn TP.HCM vừa tổ chức.
75% sinh viên không biết về hội nhập
Rất nhiều khảo sát trên sinh viên TP.HCM đã cùng chỉ ra một thực tế đáng buồn là hiện rất nhiều bạn trẻ vẫn còn đứng bên ngoài không khí hội nhập, nhất là hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Khảo sát từ nhóm của bà Nguyễn Thị Thu Trang (Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) trên sinh viên TP.HCM đang theo học ở 8 ngành nghề được luân chuyển tự do trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (nha khoa, điều dưỡng, xây dựng, du lịch…) và một số ngành khác cho thấy, có tới 75% sinh viên không biết về việc 8 ngành nghề này được tự do di chuyển lao động trong khu vực. “Đây là kết quả khá bi quan vì sinh viên không quan tâm đến thời điểm Việt Nam gia nhập AEC”, bà Hằng nhận định.
Khảo sát khác được thực hiện bởi bà Nguyễn Thị Thu Hằng và ông Nguyễn Chí Nguyên (Trường ĐH Tài chính – Marketing) riêng trên sinh viên ngành du lịch các trường ĐH: Hoa Sen, Văn Hiến, Tài chính – Marketing cho thấy, số sinh viên chưa nắm bắt thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN còn khá lớn, gần 24% sinh viên cho rằng không biết về cộng đồng kinh tế này. Điều này dễ dẫn đến sinh viên ra trường khó cạnh tranh với lao động cùng ngành trong khối.
Trong gần 24% sinh viên không biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN thì gần 80% vẫn đang tập trung rèn luyện kỹ năng, ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên môn. Có nghĩa các em vẫn nhận thức được kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ khi tốt nghiệp. “Điều này đáng mừng, tuy nhiên nếu không nhận thức rõ về Cộng đồng kinh tế ASEAN, có nguy cơ sinh viên trang bị kiến thức, kỹ năng chưa thực sự phù hợp cho bối cảnh hội nhập”, nhóm nghiên cứu đánh giá.
“Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, người lao động cần trang bị các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhấn mạnh. |
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tiên (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết thêm, nhiều sinh viên chưa hình dung ra cộng đồng này sẽ như thế nào và bản thân phải chuẩn bị những gì, cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ làm việc ở các quốc gia khác. Theo bà Tiên, việc vào Cộng đồng kinh tế ASEAN nhưng không chuẩn bị tâm thế, chắc chắn sẽ mất chỗ đứng.
Tăng cường “nạp” thông tin
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng kinh tế ASEAN, không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn; lao động được tự do di chuyển, mở ra nhiều cơ hội việc làm đặc biệt cho lao động có kỹ năng, ngoại ngữ.
Sự tự do di chuyển lao động cũng sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, nhất là nguồn cung lao động có kỹ năng và trình độ cao. Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước. Do vậy, cần thúc đẩy đào tạo một đội ngũ tay nghề cao, tiếp cận công nghệ hiện đại và được quốc tế công nhận.
“Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, người lao động cần trang bị các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang đặt vấn đề tăng cường các kênh cung cấp thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN từ phía nhà trường và các đơn vị liên quan để sinh viên nắm bắt kịp thời. Vì nhận thức hạn chế sẽ khiến các em khó tận dụng được cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, nơi làm việc, lưu chuyển lao động… tại Cộng đồng kinh tế ASEAN.
“Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt về lao động có kỹ năng cao, những tiêu chuẩn cụ thể được các nước ASEAN công bố và áp dụng… Chú trọng phát triển kỹ năng, bồi dưỡng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh… để lao động Việt nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng phạm vi làm việc ra toàn khu vực”, bà Nguyễn Thị Cẩm Tiên đề xuất.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)