Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên nên đầu tư cho chứng chỉ ngoại ngữ nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường đại học hiện có quy định riêng về chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Trong khi đó trên thực tế, các đơn vị tuyển dụng sẽ chấp nhận các chuẩn ngoại ngữ khác nhau. Vì vậy, sinh viên cần hiểu biết để tránh tích lũy những chứng chỉ không phù hợp.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chuẩn ngoại ngữ khác nhau

Theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, với các trường ĐH không chuyên ngữ, sinh viên tốt nghiệp phải đạt trình độ tối thiểu bậc 3/6 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN do Bộ GD-ĐT ban hành theo Thông tư 01/2014), tương đương với trình độ B1 – trình độ trung cấp (theo Khung tham chiếu chung châu Âu).
Trên cơ sở này, nhiều trường ĐH đang áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh theo nhiều cách khác nhau nhưng quy đổi đều đạt tương đương từ trình độ B1 trở lên. Đáng chú ý là một số trường ở TP.HCM chỉ chấp nhận chuẩn đầu ra là các chứng chỉ quốc tế như: Kinh tế, Công nghiệp, Luật…
Theo đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM, trường chọn chuẩn đầu ra là chứng chỉ tiếng Anh TOEIC để phù hợp với đối tượng đi làm. Trường chỉ chấp nhận chứng chỉ quốc tế này và cho phép quy đổi tương đương giữa các chứng chỉ quốc tế khác như: IELTS hoặc TOEFL. “Chương trình học chính thức có 7 tín chỉ cho môn học này, sinh viên (SV) được xếp lớp học phù hợp với trình độ. Nhưng để đạt được chuẩn trên, người học còn phải nỗ lực thêm bên ngoài”, người này nói.
Trong khi đó, nhiều trường chỉ sử dụng chuẩn đầu ra bằng điểm số các học phần trong chương trình đào tạo hoặc giấy chứng nhận do trường tổ chức thi và chỉ có giá trị nội bộ. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công nhận SV đạt chuẩn này khi hoàn thành các học phần học tiếng Anh theo quy định và tích lũy điểm đủ số tín chỉ. Trình độ tương đương B1 này được thể hiện qua điểm số các học phần tiếng Anh thể hiện rõ trong bảng điểm và trường không cấp chứng chỉ.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM yêu cầu SV từ khóa 2017 trở về trước sau khi hoàn thành chương trình học phải thi để đạt chứng nhận tương đương trình độ B1 tại kỳ thi do trường tổ chức. Từ khóa 2018 trở đi, SV nếu không có chứng chỉ quốc tế tương đương B1 thì phải có chứng chỉ ngoại ngữ do ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc chứng chỉ B1 do các đơn vị được phép tổ chức thi cấp.

Chuẩn quốc tế có nhiều thuận lợi

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là một tiêu chí để SV được xét tốt nghiệp ra trường, vì vậy đạt chuẩn này là nhiệm vụ bắt buộc của người học. Tuy nhiên, chuẩn này so với yêu cầu thực tế sử dụng trong một số trường hợp là chưa sát, gây khó khăn cho người học. Tình trạng hàng loạt cử nhân đã tốt nghiệp ĐH vốn được xem có trình độ tiếng Anh tương đương trình độ B1 nhưng vẫn phải tham gia thi lấy chứng chỉ B1, A2 để nộp hồ sơ dự tuyển viên chức, công chức thời gian qua là ví dụ. Trước tình trạng chuẩn đầu ra của một số trường không được chấp nhận trong tuyển dụng thì người học cần tính đến việc trang bị cho mình những chứng chỉ phù hợp nhất ngay khi còn đi học.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, nói: “Tùy theo định hướng sử dụng của bản thân mà người học cần đạt trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các mức cao hơn. Chẳng hạn, nếu có dự định tiếp tục học sau đại học ở nước ngoài thì việc có các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế như IELTS/TOEFL (tùy theo quốc gia dự định theo học) là cần thiết. SV sau khi tốt nghiệp muốn sử dụng tiếng Anh trong công việc thì có thể theo học để lấy chứng chỉ quốc tế theo chương trình TOEIC”.

Ông Hiển nhấn mạnh: “Ngày nay, khả năng ngoại ngữ cần được đánh giá dựa trên trình độ/khả năng thực chất của người học, thay vì chỉ xem là một trong số các điều kiện mang tính kỹ năng, hình thức như trước đây. Các chứng chỉ quốc tế được xem là thước đo có độ tin cậy cao để đánh giá thực chất trình độ của người học”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khuyên: “Các trường có quy định khác nhau về chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho người học, nhưng những SV có đủ điều kiện và năng lực nên hướng tới chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Các chứng chỉ này sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong sử dụng, không chỉ trong nước mà còn quốc tế”.

Lưu ý gì về chứng chỉ trong nước ?

Bên cạnh các chứng chỉ quốc tế, trong nước hiện nay có chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN. Tuy nhiên, chứng chỉ này chỉ có giá trị sử dụng khi được các đơn vị đủ điều kiện cấp theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đến thời điểm này cả nước có 7 trường ĐH và 1 ĐH đủ điều kiện tổ chức thi. Cụ thể: Sư phạm TP.HCM, Ngoại ngữ (ĐH Huế), Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Cần Thơ và ĐH Thái Nguyên.
Bộ GD-ĐT đã có dự thảo thông tư bãi bỏ quy định tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên (chứng chỉ A, B, C trước đây). Các chứng chỉ được cấp trước ngày thông tư này có hiệu lực mới có giá trị.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)