Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sinh viên ngành xã hội: Thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên môn

Tạp Chí Giáo Dục

Việc bố trí học một môn nguyên buổi khiến SV khó thu nhận hiệu quả kiến thức. (Ảnh chụp SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM trong giờ học)

Chương trình đào tạo chuyên ngành xã hội ở bậc ĐH hiện nay chỉ cung cấp được một phần kiến thức và kỹ năng thực tế cho sinh viên. Do đó, hầu hết khi các em ra trường, tham gia vào thị trường lao động, thường khó tìm kiếm được việc làm đúng chuyên ngành.
Thực trạng này được PGS.TS Phạm Đình Nghiệm (Phòng Quản lý khoa học và dự án, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đề cập tại hội thảo “Đảm bảo chất lượng” của trường diễn ra ngày 19-6.
Theo PGS.TS Nghiệm, tỷ lệ SV tốt nghiệp loại khá trở lên của trường các năm học 2010, 2011 là rất cao tuy nhiên chưa tương xứng với đánh giá của các em về chất lượng đào tạo. Cụ thể, năm học 2010 có đến hơn 80% SV chỉ học được một phần kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc đúng chuyên ngành. Con số đã học được những kiến thức và kỹ năng trên chỉ hơn 10%, quá ít và còn có xu hướng giảm. Điều này cho thấy, chương trình đào tạo của trường chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của SV đối với vấn đề việc làm đúng chuyên ngành.
Việc phân bổ các môn học còn thiếu tính khoa học, mỗi môn được học nguyên buổi (sáng 5 tiết, chiều 4 tiết) trong khi SV chỉ tập trung, chăm chú theo dõi được nhiều nhất 2 trong số 4 hoặc 5 tiết. Hơn nữa, trong các chương trình được thiết kế tốt thì nội dung sau bao giờ cũng dựa vào những nội dung trước. Điều này đòi hỏi SV phải sử dụng các tri thức và kỹ năng đã thu nhận trước đó. Tuy nhiên, với cách học “một lèo” một môn nguyên buổi như hiện nay, SV chưa thể có tri thức và kỹ năng thật sự tương ứng với các tiết học từ đầu buổi để phục vụ cho các tiết cuối buổi. Bởi vì tri thức và kỹ năng còn phụ thuộc vào việc SV tự nghiên cứu, tranh luận, làm bài tập, thực hành… Cũng chính vì “rào cản” đó nên chương trình thiết kế của giảng viên cũng chỉ sử dụng những mảng tri thức của các buổi học trước đó, làm giảm chất lượng. Việc dồn nhiều tiết của một môn trong một buổi học còn dẫn đến hệ quả kết thúc môn học trước thời hạn. Thay vì mỗi học kỳ kéo dài 16 tuần, học theo cách trên, môn học 30 tiết sẽ kết thúc sau 6 tuần hoặc 9 tuần với môn học 45 tiết. Như vậy, khoảng thời gian trống từ 5 đến 10 tuần nếu chỉ để dành cho SV ôn tập hoặc nghỉ ngơi thì gây lãng phí không chỉ thời gian của các em mà còn cả cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Còn nếu dùng thời gian này cho SV đăng ký môn học mới cũng dẫn đến tình trạng cùng một lúc các em phải “tải” quá nhiều kiến thức.
Trong khi đó, PGS.TS Nghiệm đánh giá, tính kỷ luật trong lao động của giảng viên khi lên lớp hiện nay còn lỏng lẻo, tình trạng “cắt xén” thời gian giảng dạy vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân do không đủ thời gian để đảm bảo chương trình khiến giảng viên phải cắt bớt hoặc giảng sơ sài một số nội dung. Ngoài ra còn vì buổi học quá dài, SV “đuối” không theo kịp nên giảng viên đành cắt bớt thời lượng bài giảng. Chính điều này tạo cho SV thói quen tùy tiện, không tuân thủ thời gian biểu, thậm chí thiếu tôn trọng giảng viên…
Tổ chức 2 hoặc nhiều môn học trong một buổi học (tối đa mỗi môn không quá 3 tiết) là giải pháp mà ông Nghiệm cho là cần thiết nhằm tạo hứng thú cho SV, cải thiện chất lượng giảng dạy. Đồng thời, tách biệt hoạt động giảng dạy của giảng viên với việc ra đề thi, kiểm tra, chấm bài. Theo đó, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của trường sẽ đảm nhiệm khâu chấm bài, kiểm tra… thay cho người dạy để đảm bảo tính công minh. Một số giải pháp khác cũng được đề cập như: Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ kỷ luật lao động của giảng viên trên lớp; rà soát nội dung các chương trình môn học đang được giảng dạy tại trường và hoàn thiện đề cương các môn học theo hướng tăng hoạt động của SV, bố trí hợp lý số lượng tiết học gồm cả lý thuyết lẫn thảo luận, thực hành…
Bài, ảnh: M.T

Bình luận (0)