Tòa soạnThư đi – tin lại

Sinh viên ngày càng muốn ở nhà trọ “sang”

Tạp Chí Giáo Dục

Phan Thị Tuyết Nhi và Lâm Bảo Vy (năm nhất ngành dược sĩ tại Trường TC Bách khoa Sài Gòn) chọn phòng hơi đắt nhưng có điều kiện internet phục vụ học tập, tra cứu tài liệu nhanh chóng như thế này

Tiêu chuẩn lựa chọn nhà trọ của sinh viên (SV) ngày càng “sang” với đầy đủ điều kiện internet, truyền hình cáp, thậm chí… máy lạnh, tuy nhiên khu vực nội thành khó đáp ứng hết.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng (Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV, Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM) cho biết, nguồn nhà trọ “chất lượng cao” ở nội thành khá khó kiếm. Thậm chí SV phải chấp nhận ở ghép trong khi với các em việc này lại là mối e ngại đáng kể.
“5 lần 7 lượt” kiếm nhà trọ ưng ý
Phan Thị Tuyết Nhi và Lâm Bảo Vy (năm nhất ngành dược sĩ tại Trường TC Bách khoa Sài Gòn) vừa dọn đến ở tại một khu trọ mới thuộc quận Gò Vấp được một tháng nay. Từ nơi ở, hai em đi bộ qua trường mất chưa đầy 10 phút, đồng thời lại gần chợ. Điều kiện phòng ốc cũng khá khang trang, sạch sẽ, có lắp sẵn mạng internet, truyền hình cáp, khu để xe biệt lập, có thể sử dụng được máy lạnh… Hài lòng với điều kiện phòng hiện đại và “sang” như thế này nên mặc dù giá phòng có hơi cao so với túi tiền SV (gần 2,5 triệu đồng/tháng, bao gồm phí điện, nước…) nhưng hai em vẫn quyết định ký hợp đồng ở cho đến tận khi ra trường, tức khoảng 2 năm.
Trước khi đến nhà trọ này, Nhi và Vy đã “lặn lội” tìm kiếm, xem qua tới 7 nhà trọ khác mà không ưng ý. Lý do, với mức giá phòng từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng nhưng có phòng thì khá tối tăm, thiếu cửa sổ, có phòng lại gặp phải “hàng xóm” liên tục nhậu nhẹt, gây ồn ào…
Tuyết Nhi chia sẻ: “Không chỉ em mà nhiều bạn cũng vậy, cần có những chỗ trọ có lắp sẵn mạng internet để thường xuyên lên tìm kiếm tài liệu, xem thời khóa biểu và các thông tin liên quan. Kèm thêm nhiều tiêu chí “thiết thực” khác như chỗ ở an ninh, gần chợ và trường học để thuận tiện đi lại, giờ giấc thoải mái để có thể đi làm thêm, giá cả phù hợp… thì việc kiếm được nhà trọ ưng ý không phải dễ dàng. Thậm chí để được ở nhà trọ mong muốn như thế, tụi em phải chịu giá cả đắt đỏ”.
Hiện cũng có nhiều SV chọn giải pháp thuê chung phòng hoặc nhà trọ “hạng sang”, thay vào đó để giảm thiểu chi phí, các em chấp nhận cảnh ở đông, chật chội. Cá biệt cũng có một số trường hợp SV chịu ở một mình trong điều kiện giá đắt đỏ để được đáp ứng các nhu cầu cao về phòng ốc, không gian sinh hoạt. Ngô Hải Triều (SV năm cuối ngành cơ khí, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) so sánh, so với những phòng trọ giá rẻ em từng thuê cùng bạn bè các năm trước đây thì chỗ ở hiện tại (thuộc quận 6), em phải chịu giá mắc gấp 3 lần. Tuy vậy, chỗ ở mới này có nhiều điều kiện sinh hoạt thuận lợi, an ninh và quan trọng là sạch đẹp hơn. Mặc dù đang phải tích cực làm thêm để bù khoản chi phí khá cao do thuê ở một mình (tính cả phí điện, nước… là trên 2 triệu đồng/tháng) nhưng Triều vẫn bám trụ bởi việc kiếm nhà trọ phù hợp hiện nay rất khó. Qua nhiều lần khảo sát, tìm kiếm, Triều nhận định, các khu vực trung tâm như quận 3, quận 10 không thiếu nhà trọ nhưng SV kiếm mỏi mắt vẫn không thuê được do đa số các phòng đều ọp ẹp, ẩm thấp, đã qua sử dụng nhiều năm mà không được nâng cấp, tu sửa.
Khó đáp ứng đủ
Thừa nhận, tiêu chuẩn lựa chọn phòng trọ của SV ngày càng cao tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hoàng (Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV, Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM) cũng lo ngại rằng nguồn nhà trọ khu vực nội thành rất khó đáp ứng đủ. Cụ thể, các em mong muốn được ở phòng biệt lập, có nhà vệ sinh riêng, có bếp nấu ăn, chỗ để xe, phơi phóng quần áo, truyền hình cáp, internet, giờ giấc đi về thoải mái… nhưng thực tế ở nội thành, để kiếm được phòng ốc điều kiện như thế này rất khó, thậm chí SV phải chịu ở ghép.
Trong khi đó, việc ở ghép được SV xem là… cực hình vì nhiều lý do. ThS. Nguyễn Trọng Tuấn (Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) lý giải, những SV chưa quen biết nhau trước khi đến ở ghép dễ gặp mâu thuẫn do va chạm trong sinh hoạt, không phù hợp thói quen ăn uống, lối sống hay trong phân công công việc chung. Thậm chí còn có thể xảy ra tình trạng mất cắp vặt, mượn tiền không chịu trả…
Cũng theo ông Tuấn, so với 2 năm về trước, SV đã “nâng chuẩn” chọn phòng trọ lên một mức và điều này cũng là dễ hiểu. Với hoạt động học tập hiện nay, SV cần thường xuyên truy cập mạng internet để tra cứu tài liệu, xem điểm và thời khóa biểu, đăng ký môn học… nên khi chọn phòng trọ, internet được ưu tiên số một. Số ít khác còn có thêm nhu cầu dùng máy lạnh, không quá gò bó giờ giấc để thuận tiện làm thêm.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng nêu thêm thực tế, mọi năm, SV học tại các trường đóng trên địa bàn quận 4 và 7 gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm chỗ tá túc do nguồn phòng trọ khan hiếm, lại còn đắt đỏ. Có thể gần đây nhiều trường thuộc khu vực này đã đưa ký túc xá vào hoạt động nên không còn quá nhiều SV đến trung tâm kiếm thông tin phòng trọ. Tuy nhiên, ngược lại, nhu cầu phòng trọ năm nay lại tập trung rất đông vào SV các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, CĐ Cao Thắng… Khu vực được các em lựa chọn tìm kiếm nhiều nhất cũng là các quận trung tâm như: 1, 3, 5, 10…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)