Những bạn trẻ chúng tôi gặp không biết có nằm trong số 1.163 sinh viên (SV) bỏ học từ đầu năm 2012 vừa được công bố hay không, nhưng có một điểm chung là gánh nặng học phí, trong đó không ít bạn thuộc diện chính sách.
Nhiều sinh viên đi làm công nhân. Ảnh: Thanh Ba. |
Bạn Phùng Cẩm Chi (xã Lâm Giang, Văn Yên, Yên Bái, SV năm cuối CĐ Kỹ thuật Việt Trì) thuộc diện vùng cao, bày tỏ lo lắng: “Em trong diện chính sách được hưởng ưu đãi học phí, nhưng 4 kỳ học trở lại đây em vẫn phải nộp học phí. Gia đình trên quê phải chạy từng đồng vay lãi nên sắp tới em tính bảo lưu kết quả học để đi kiếm việc làm”.
Bà Lê Thị Tâm, mẹ của Chi, giãi bày: “Những năm trước, các cháu ở quê đi học ĐH không phải đóng học phí, giờ theo quy định mới phải đóng học phí ở trường rồi về quê lấy lại (Nghị định 49 – PV). Tuy nhiên, đã hơn 2 năm học trôi qua tôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Phòng LĐTB-XH, gia đình phải đi vay lãi cho em học, giờ túng bấn lắm”.
Với thực trạng nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập khi tuyển sinh không công khai mức học phí trần, khi SV nghèo “trót” thi đỗ thì gia đình thường phải cam chịu học phí nhà trường đưa ra.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, những bạn có hoàn cảnh khó khăn không có tiền đóng phí sẽ bỏ học giữa chừng. Bạn Đỗ Tiến Anh quê Phú Thọ (ngành kỹ thuật môi trường – ĐH Nguyễn Trãi) đã xin thôi học do học phí quá đắt đỏ.
“Hãy tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn trường để học. Nếu không chắc chắn, các bạn hãy đến trung tâm tư vấn để không phí thời gian và tiền bạc”, Tiến Anh khuyên các bạn nghèo. Đỗ Xuân Trường (quê Hà Tĩnh, cựu SV ĐH Thăng Long) chia sẻ: “Học phí năm nay tăng tiền triệu nên mình đã xin thôi học về quê giúp đỡ bố mẹ chăn nuôi, tự ôn luyện rồi năm tới thi vào trường công lập, học phí đỡ tốn kém mà ổn định”.
Không bỏ cuộc
Nhiều bạn SV dù nghèo nhưng quyết không bỏ học. Họ biết tận dụng nguồn vốn hỗ trợ SV để kinh doanh, bán hàng, làm thêm để có tiền đóng học phí. Ngồi đếm vài đồng bạc lẻ dưới ánh đèn lờ mờ chạy bằng bình ắc quy tự chế, Nguyễn Thị Nhung (Đại học Đại Nam, Hà Nội) trải lòng: “Nghĩ đến cảnh bố mẹ chạy vạy từng đồng để lo học phí mà mình thấy xót lòng nên phải tự lập hơn. Mình đã liều vay vốn hỗ trợ SV để mở quán nước vỉa hè vào buổi tối, chỉ 2 tháng hoàn lại vốn, với thu nhập trung bình 100.000 đồng/tối cũng tạm lo được học phí”.
Tuấn Nghĩa và Duy Nam (năm 2, ĐH Giao thông vận tải – Hà Nội) cùng quê Hà Giang lại vay tiền người thân, cùng bạn bè góp vốn đi mua đồ lót, linh kiện máy tính… bán cho SV ở ký túc xá các trường lân cận.
“Bù trừ các khoản, hai đứa thu nhập 1,5 – 2 triệu đồng/ tháng. Mình nghĩ đi bán đồ lót mà kiếm được tiền lo học phí cũng chẳng có gì ngại”, đôi bạn tâm sự.
Bạn Nguyễn Văn Nhân (ĐH KHXHNV, quê Điện Biên) thuộc diện chính sách dân tộc thiểu số, dành nửa ngày để làm công việc chăm sóc người khuyết tật, kiếm thêm tiền đóng học phí.
Nhân cho biết trên nhà bố mẹ đi phụ hồ cũng long đong và còn phải nuôi hai em học cấp 3 nữa.
Doãn Mẫn (TPO)
Bình luận (0)