Không có tiền mua vé xe về quê hay tham gia các hoạt động trong kỳ nghỉ lễ dài nhưng nhiều sinh việc lại chi gấp nhiều lần so với số tiền đó vào bia rượu khi ở lại thành phố dịp nghỉ lễ.
Nghỉ ngày nào nhậu ngày đó
Dân cư tại các xóm trọ sinh viên (SV) ở TPHCM trong đợt lễ dài ngày thưa hơn ngày thường khi nhiều người có những kế hoạch như về quê, đi du lịch, thăm nhà bạn bè… Nhưng không vì ít người mà các khu trọ bớt náo nhiệt mà ngược lại còn rình rang hơn khi SV tổ chức tiệc tùng triền miên trong đợt nghỉ.
Những khu nhà trọ ở đường Phan Văn Trị, Dương Quảng Hàm, Lê Lợi… (Q.Gò Vấp) nơi tập trung đông SV Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Văn Lang; đường Hà Huy Giáp (Q.12) ở khu vực trường CĐ Điện lực, CĐ Bách Việt trong đợt nghỉ lễ đã trở thành những “điểm” nhậu đúng nghĩa. Bắt đầu từ 3 – 4 giờ chiều, bạn bè của họ kéo nhau về đây, xe máy dựng kín lối đi và bắt đầu… hò nhau ăn nhậu. Người chuẩn bị mồi, người chuẩn bị bia rượu, nhiều phòng có từng két bia xếp chồng lên nhau đặt trước cửa ra vào.
Cảnh ăn nhậu trước cửa phòng trọ của một nhóm sinh viên Trường CĐ Điện lực TPHCM.
Liên tục mấy ngày nay, tại khu trọ của SV tên Đức (ĐH Công nghiệp TPHCM) ở đường Dương Quảng Hàm lúc nào cũng có vài ba độ nhậu, có những cuộc vui kéo dài từ trưa chiều ngày hôm nay đến tận 1 – 2 giờ sáng hôm sau có cả nam lẫn nữ. Lý do của họ là "không đi đâu ở lại không nhậu thì… biết làm gì".
Không chỉ nhậu trong phòng, nhiều nhóm còn kéo bàn nhậu ra ngay giữa lối hành lang đi lại cho thoải mái. Két bia này đến két bia khác, sau những cuộc “hùn vốn”, tiền trong ví đã cạn, nhiều nhóm từ bia chuyển sang uống rượu để kéo dài cuộc vui. Nhiều SV say “ngoắc cần câu” nằm li bì một chỗ, còn những SV nào còn gà gật thì vẫn còn ráng.
Đức cho biết, những SV không về quê cũng không đi đâu trong dịp lễ thì chủ yếu “liên hoan” bằng nhậu nhẹt. Đêm uống xỉn, ngày hôm sau ngủ li bì đến chiều lại có hội nhậu tiếp. Nhóm bạn của Đức, có nhiều SV than không có nổi 200 – 300 nghìn đồng mua vé xe về quê nhưng họ lại có thể chi gấp nhiều lần số tiền đó cho bia rượu. Cho dù sau bữa nhậu, có thể ngày hôm sau họ không còn một đồng lẻ để mua mì gói ăn qua bữa nhưng không bận tâm vì "vui hôm nay, ngày mai mới tính".
Bà Nguyễn Thị Sáu (tên gọi ở nhà), chủ 10 phòng trọ ở đường Hà Huy Giáp (P. Thạnh Lộc, Q. 12) cho biết, có nhiều phòng SV thuê gần như cuối tuần nào cũng nhậu, gây ầm ĩ, bà phải ra nhắc nhở liên tục. Đợt lễ, nhiều phòng không về quê thì mức độ ăn nhậu của SV còn dày đặc hơn khi họ kéo nhóm bạn này đến nhóm bạn khác đến tụ họp.
Nghỉ lễ không về quê, nhiều SV tụ tập ăn nhậu.
Bà chủ nhà này cho rằng, SV ăn nhậu là điều khó tránh vì các bạn ham vui. Khi chủ nhà nhắc thì họ “dạ vâng” bảo bọn con giải tán ngay nhưng chủ nhà quay đi thì lại nhậu tiếp. Nếu SV nhậu nhẹt mà đuổi đi thì không xuể nên chỉ những cô cậu nào ăn nhậu rồi đánh lộn, gây rối thì bà Sáu mới lấy lại phòng.
Không chỉ ở phòng trọ mà tại quán nhậu bình dân quanh khu trọ cũng rất đắt khách SV trong đợt nghỉ lễ. Dốc tiền ăn nhậu, không ít cô cậu còn nhậu nợ hoặc vay mượn tiền bạn bè để “dốc” vào bia rượu.
Sinh viên thiếu người quản lý?
Thực trạng SV ăn nhậu có thể thấy rõ ở nhiều khu trọ SV. Không ít trường hợp SV để có tiền nhậu nhẹt sẵn sàng cầm cố máy tính, xe máy hoặc tìm mọi cách “vòi” thêm tiền từ gia đình. Nhiều SV hàng ngày luôn sinh hoạt ăn tiêu trong cảnh “thiếu đói” nhưng khi ăn nhậu thì không hề kém ai.
Trong các ngày cuối tuần hay các cuộc vui như sinh nhật, họp mặt hay đơn thuần muốn vui vui, SV đều có tổ chức nhậu nhẹt tại chỗ ở hoặc ra quán.
Tụ tập ăn nhậu đã trở thành thói quen của một bộ phận sinh viên.
Lý giải về việc SV dễ “bắt tay” các thói hư tật xấu như ăn nhậu, cờ bạc…, SV Vũ Thị Diệu (ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng điều này bắt nguồn từ việc SV thiếu quản lý từ gia đình lẫn nhà trường, khác hẳn với khi học phổ thông. Có những SV ở xa, nhiều năm đi học không về nhà, liên hệ với gia đình chỉ thông qua những cuộc điện thoại hỏi han. Mối quan hệ ở trường ĐH, CĐ với SV cũng rất lỏng lẻo, gần như SV không có một ai quản lý, định hướng mà tự mình thích nghi với sự thay đổi của môi trường sống nên dễ sa ngã.
SV dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống không lành mạnh không chỉ do môi trường sống như sống xa nhà, sống ở các khu trọ, ít tham gia các tổ chức hoạt động đoàn thể mà còn vì SV có nhiều thời gian rảnh rỗi nên tăng nguy cơ tiếp cận lối sống với các lối sống, hành vi tiêu cực. Hơn nữa, các hoạt động xã hội, đoàn thể chưa tiếp cận được với nhiều SV cũng như chưa thật sự thu hút SV tham gia.
ThS Hoàng Xuân Sơn (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng vai trò của Đoàn Thanh niên đối với việc giáo dục đạo đức SV rất quan trọng nhưng chưa phát huy được hết hiệu quả. Đoàn Thanh niên cần thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ như tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích mang mục đích định hướng, giáo dục truyền thống cho SV cũng như việc trách xa các tệ nạn, lối sống thiếu an toàn, lành mạnh.
Bên cạnh đó, các trường ĐH cần phải có những phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả hơn cho SV. Đồng thời tăng cường mối liên hệ giữa giảng viên và SV, nhà trường và gia đình chặt chẽ hơn nữa để tăng sức “đề kháng” cho SV.
Hoài Nam (Dân trí)
Bình luận (0)