Lần đầu tiên, hội nghị Khoa học Sinh viên các trường Đại học Khoa học cơ bản của hơn 10 trường đại học trên toàn quốc được tổ chức tại Huế trong hai ngày 5 đến 6-12, thu hút gần 150 báo cáo khoa học của hơn 200 sinh viên.
Sinh viên Đại học Sư phạm báo cáo tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: Nguyễn Hà. Hình mang tính minh họa |
Từ hội nghị này cho thấy công việc nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên ở các trường đại học vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Các báo cáo trình bày tại Hội nghị được đánh giá cao về quy mô cũng như chất lượng. Nội dung đề tài hết sức phong phú, mang tính chuyên sâu, tính ứng dụng về lĩnh vực tự nhiên cũng như xã hội, được chọn lọc kĩ ở cấp trường, do các giảng viên có học hàm, học vị hướng dẫn trong giai đoạn 2006 – 2009.
Ông Nguyễn Phúc Khanh (Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ GD&ĐT) phát biểu: “Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã trải qua gần 20 năm. Đây là lúc chúng ta nhìn nhận những việc đã làm được và chưa làm được, hướng đến việc đánh giá công tác sinh viên nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua vào đầu năm 2010 sắp tới”.
Tại Hội nghị, nhiều kinh nghiệm NCKH của ĐHQG Hà Nội cũng được chia sẻ như: Nên để sinh viên làm quen khoa học từ năm thứ hai; các đề tài nghiên cứu phải trực tiếp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; gắn các đề tài nghiên cứu sinh viên với nghiên cứu lớn, dài hơi với nghiên cứu của thầy cô giáo; cần liên kết đào tạo, tổ chức các Hội thảo quốc tế, đưa cán bộ đi nghiên cứu các trường đại học lớn trên thế giới…
Không chỉ bài toán kinh phí?
Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Huế được đánh giá là một trong những khoa có bề dày về NCKH. Hằng năm khoa đều tổ chức Hội thảo khoa học, chọn khoảng 50 bài trong 500 bài tham gia nghiên cứu, nhưng mỗi bài chỉ nhận được 30.000 đồng.
Đây là thực trạng chung. Lượng thì nhiều nhưng chất đóng góp rất ít. Ông Huỳnh Đức Thiện (Phó Trưởng Phòng Quản lí KHCN – Hợp tác Quốc tế ĐHKHXHNV TP Hồ Chí Minh thẳng thắn: “Có một thực tế đáng buồn là cách hướng dẫn sinh viên NCKH vẫn mang hình thức đem con bỏ chợ. Từ khi nhận đề tài, sinh viên chỉ gặp người hướng dẫn hai, ba lần thì chất lượng nghiên cứu ở đâu, chưa kể những rủi ro có thể xảy ra”.
Vẫn phổ biến tình trạng xem NCKH là hoạt động mang tính phong trào. Nhiều sinh viên nhận đề tài nhưng chờ nước tới chân mới nhảy.
Nhiều sinh viên khi tham gia nghiên cứu phải lo liệu không chỉ kinh phí, xây dựng đề án, quy trình, báo cáo mà còn chịu nhiều rào cản tâm lí như: Làm cái gì? Bắt đầu như thế nào? Để làm gì?
“Là khoa học cơ bản nên tính ứng dụng của nó trong thực tế cần đặt ra nhiều vấn đề. Tuy nhiên, cũng đừng đặt quá nặng những kiến thức ở sinh viên, mà cần làm tốt công tác tổ chức, quản lí hoạt động NCKH hơn” – Ông Huỳnh Đức Thiện nói.
Thu Hà/TPO
Bình luận (0)