Các sinh viên Lào, Campuchia vừa cùng sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM tham gia thu dọn hơn 1 tấn rác, gom hơn 1.000 chai nhựa… trong chuỗi hoạt động thiết thực hướng đến Ngày môi trường thế giới (5-6) năm nay. Sinh viên Trường ĐH RMIT cũng chính thức bước vào một chiến dịch nhằm mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm, tái sử dụng và tái chế bảo vệ môi trường.
Sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM tham gia ngày hội môi trường do nhà trường vừa tổ chức
Bộ GD-ĐT mới đây có văn bản cho biết, trong tháng 6 ngành giáo dục sẽ tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5-6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.
Bảo vệ môi trường, giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu
Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5-6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 sẽ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức về bảo vệ môi trường; đặc biệt hướng đến chủ đề năm 2024 đã được chương trình môi trường Liên hợp quốc lựa chọn là “Phục hồi đất đai, sa mạc hóa và chống hạn hán”.
Sinh viên Trường ĐH RMIT tham gia hoạt động nhặt rác vì môi trường
Trong hướng dẫn gửi các sở GD-ĐT, các ĐH, học viện… Bộ GD-ĐT cũng cho biết, các đơn vị có thể triển khai những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 kéo dài đến Ngày môi trường thế giới (5-6). Chú trọng các giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường một cách tổng thể với khẩu hiệu “Bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu”.
Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT, cơ sở GD-ĐT tổ chức những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên về sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước sạch; giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh cá nhân, các công trình vệ sinh trong trường học để nâng cao sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho người học trong môn học chính khóa, hoạt động giáo dục và hoạt động ngoại khóa.
Thu dọn hơn 1 tấn rác, hơn 1.000 chai nhựa…
Nhân Ngày môi trường thế giới (5-6), Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức ngày hội môi trường thu hút trên 3.600 lượt tham dự, lượt tương tác của sinh viên. Đáng chú ý, trong đó có những hoạt động có sự chung tay của sinh viên Lào, Campuchia. Cụ thể, tại ngày hội, gian hàng “Plastic down, Planet up” cung cấp thông tin, kiến thức về ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm chất thải, về Ngày nước thế giới, Ngày khí tượng thế giới, Ngày môi trường thế giới… Cùng với các hoạt động sống xanh, sinh viên được tặng nước miễn phí khi mang bình cá nhân đến sự kiện.
Sinh viên Lào, Campuchia cùng sinh viên Trường ĐH Mở dọn rác ở bờ biển
Theo Trường ĐH RMIT, nếu áp dụng những thói quen tốt như giảm lãng phí thực phẩm, tái sử dụng và tái chế nhiều hơn, chúng ta sẽ sống lâu hơn, tương lai của chúng ta cũng sẽ bền vững hơn. |
Riêng hoạt động chung tay làm sạch biển, gần 50 sinh viên, trong đó có 8 sinh viên Lào và Campuchia đã đến thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) phối hợp cùng người dân địa phương thực hiện. Kết quả, sinh viên cùng người dân địa phương đã thực hiện dọn rác khu vực bãi biển, thu về hơn 70 bao rác thải các loại, khối lượng hơn 1 tấn. Bên cạnh đó, hoạt động “Đổi nhựa lấy quà” với sự tham gia của sinh viên cùng hơn 50 người dân địa phương đã thu về được 1.234 chai nhựa các loại. Cùng với hoạt động đi bộ vì môi trường, sinh viên và người dân còn tham gia các chuyên đề giáo dục bảo vệ môi trường; sức khỏe tinh thần…
Sau khi tham gia các hoạt động, sinh viên Nguyễn Thị Mai Phương (Chủ nhiệm CLB OU Green Trường ĐH Mở TP.HCM) cho hay, hầu hết sinh viên hứng khởi tham gia và phản hồi tích cực về các hoạt động này; các bạn cảm nhận được ý nghĩa thiết thực cũng như mong muốn đóng góp vào việc giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, phát triển môi trường bền vững.
Tại Trường ĐH RMIT, bộ phận quan hệ cựu sinh viên cũng vừa tổ chức phát động chiến dịch “Sạch sành sanh”; thông qua việc “ăn sạch”, “sống sành” và “trường sanh” kêu gọi nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về các chủ đề bền vững. Chiến dịch này tập trung vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm lãng phí thực phẩm, hướng tới lối sống bền vững, thân thiện với môi trường. Những người thực hiện chiến dịch cho rằng nếu áp dụng những thói quen tốt như giảm lãng phí thực phẩm, tái sử dụng và tái chế nhiều hơn, chúng ta sẽ sống lâu hơn, tương lai của chúng ta cũng sẽ bền vững hơn.
Nhiều hoạt động khác nhau sẽ được triển khai trong suốt chiến dịch này, bao gồm cuộc thi thiết kế sáng tạo, tham quan nhà máy, thử thách nấu ăn, triển lãm “Doanh nghiệp xanh”, quyên góp thực phẩm, thu gom rác và đi bộ gây quỹ trồng cây.
Ông Phạm Hữu Hoàng (Trưởng bộ phận Quan hệ cựu sinh viên RMIT) nhấn mạnh, nhà trường chú trọng tính bền vững trong chiến lược hành động của mình. Cộng đồng cựu sinh viên RMIT Việt Nam gồm hơn 22.500 người đang làm việc tại 6.000 doanh nghiệp trên khắp cả nước lẫn khu vực Đông Nam Á đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi bền vững này.
Thục Trân
Bình luận (0)