Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên nhiều trường chuẩn bị học tập trung

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường đại học đã sẵn sàng đón sinh viên trở lại học trực tiếp. Các trường đẩy mạnh tiêm vắc xin cho giảng viên, sinh viên.

Sinh viên mong muốn được quay lại trường học trực tiếp (ảnh chụp trước 27/4). Ảnh: Như Ý

Sinh viên mong muốn được quay lại trường học trực tiếp (ảnh chụp trước 27/4). Ảnh: Như Ý

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, do sinh viên ngành Y tham gia hỗ trợ chống dịch trên mọi miền Tổ quốc nên đến nay, 90% sinh viên của trường đã được tiêm đủ 2 mũi. GS Tú khẳng định, từ tuần này, trường sẽ mở cửa dần để đón sinh viên.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói rằng, trường chủ động phối hợp y tế phường tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, giảng viên và một số sinh viên ở Hà Nội. Dự kiến, sinh viên các tỉnh, thành phố chưa tiêm chủng sẽ được trường tổ chức đăng ký tiêm ngay sau khi học tập trung trở lại.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM vừa thông báo cho sinh viên về việc đăng ký trở lại học tập trung thời gian tới. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dự kiến cho sinh viên trở lại trường từ ngày 1/11. Ông Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách trường, cho hay, việc mở cửa trường từ đầu tháng tới chỉ áp dụng với sinh viên thực hành, thí nghiệm và làm đồ án tốt nghiệp. Giảng viên, người học trực tiếp phải tiêm đủ liều vắc xin. Mỗi lớp học được mở tối đa là 20 sinh viên. Nhà trường ưu tiên cho sinh viên khóa 2018 trở về trước đăng ký học trực tiếp để hoàn thành đồ án, khóa luận. Ông Thịnh cho hay, với tình hình dịch COVID-19 hiện nay, trường tiếp tục lên kế hoạch tổ chức thi trực tuyến. Các khoa và bộ môn được giao quyền chủ động chuyên môn, dựa trên chuẩn đầu ra môn học để đưa ra phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với thi trực tuyến.

Tại hội nghị trực tuyến “Tác động của việc đóng cửa trường ĐH đối với các hoạt động đào tạo, đánh giá chất lượng, nghiên cứu khoa học và quản trị ĐH” do Tổ chức ĐH Pháp ngữ tổ chức mới đây, đa số các trường ĐH khẳng định, giảng dạy trực tuyến chắc chắn chất lượng không bằng trực tiếp do hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ giảng viên dạy trực tuyến còn hạn chế. Ngoài ra, các trường kỹ thuật, đào tạo y khoa có nhiều học phần thực hành, thí nghiệm tại phòng thí nghiệm hay lâm sàng tại bệnh viện nên dù cố gắng thực hành mô phỏng nhưng không thể bằng dạy học trực tiếp.

Ưu tiên các môn thực hành, thực tập

Trước mắt, một số trường cho sinh viên đủ điều kiện đến trường thực hành, làm thí nghiệm, đồ án môn học, luận văn tốt nghiệp. Trường ĐH Công nghệ TPHCM đã đăng ký với Sở Y tế TPHCM 30.000 liều vắc xin để tiêm cho giảng viên, sinh viên. Hiện việc dạy và học của trường vẫn là trực tuyến. Khi được phép mở cửa trở lại, trường cũng tính phương án giãn cách để đảm bảo an toàn phòng dịch nên có thể sẽ vẫn phải kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Việc học trực tiếp ưu tiên cho các môn thực hành, thực tập vì đây là những môn gặp trở ngại nhất khi học trực tuyến.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM vừa có thông báo chính thức về việc cho sinh viên khóa 08ĐH, 09ĐH đến trường học thực hành trong tháng 10 này để hoàn thành đề tài, khóa luận chuẩn bị kết thúc khóa học. Điều kiện đăng ký cụ thể gồm sinh viên đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi hoặc là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Một vấn đề khiến các trường ở Hà Nội lo lắng là vẫn còn không ít sinh viên ở tỉnh ngoài chưa được tiêm vắc xin.

Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải cho biết các kế hoạch đón sinh viên trở lại trường luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, một số sinh viên của trường ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ có thể sẽ trở lại trường muộn hơn các địa phương lân cận Hà Nội. Với sinh viên ngoại tỉnh chưa được tiêm vắc xin, trường cố gắng đăng ký để các em được tiêm sớm, nhưng kế hoạch phân bổ tiêm như thế nào lại phụ thuộc chỉ đạo của thành phố Hà Nội.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)