Sinh viên là nguồn nhân lực quan trọng, chủ nhân tương lai của đất nước; cần được giáo dục, bồi dưỡng tri thức về lịch sử, văn hóa dân tộc. Chúng ta không “chiêm ngưỡng” quá khứ mà cần nối tiếp các giá trị và học những bài học kinh nghiệm từ quá khứ.
Sinh viên tham gia cuộc thi “Theo dòng văn hiến Việt Nam”
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã nhắn gửi sinh viên điều này khi tham gia cố vấn cho cuộc thi “Theo dòng văn hiến Việt Nam” được Trường ĐH Văn Hiến tổ chức cho sinh viên nhiều trường ĐH tại TP.HCM.
Người trẻ được hiểu sâu về cội nguồn dân tộc
Cuộc thi “Theo dòng văn hiến Việt Nam” quy tụ 32 đội thi đến từ 8 trường ĐH, diễn ra cho đến hết ngày 31-5 với mong muốn trau dồi kiến thức về văn hóa, lịch sử dân tộc cho sinh viên; góp phần nâng cao ý thức của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Vòng 1 chủ đề “Ngàn năm văn hiến” đã diễn ra ngày 18-5. Tại đây các đội sinh viên thông qua hình thức sân khấu hóa như diễn kịch, ca múa nhạc, cải lương… đã tái hiện lại hình ảnh các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Vòng 2 chủ đề “Non sông gấm hoa” diễn ra ngày 25-5, các sinh viên trưng bày món ăn vùng miền; biểu diễn và thuyết minh về đặc trưng văn hóa truyền thống vùng miền (gồm trang phục truyền thống, ẩm thực, văn hóa dân gian…). Cụ thể, các sinh viên biểu diễn và thuyết minh về đặc trưng văn hóa qua trang phục, ẩm thực, văn nghệ dân gian truyền thống… của các vùng miền.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
Tại vòng 3 chủ đề “Tri thức tuổi trẻ” diễn ra vào 31-5, các sinh viên sẽ thi hiểu biết về văn hóa, lịch sử dân tộc thông qua trả lời 20 câu hỏi và hùng biện về “Thế hệ trẻ phát huy giá trị văn hóa truyền thống”. Theo ban tổ chức, đây là một cuộc thi vừa mang tính học thuật vừa có tính thực hành. Ở đó, sinh viên được thể hiện kiến thức, hiểu biết về văn hóa, lịch sử cội nguồn của dân tộc cũng như thể hiện tư duy sáng tạo, kỹ năng xây dựng kịch bản, khả năng nghệ thuật thông qua qua biểu diễn, hóa trang, trưng bày, thuyết minh, hùng biện…
Cần nối tiếp các giá trị lịch sử, văn hóa
Với vai trò cố vấn cuộc thi, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay, cuộc thi hướng đến nhiều giá trị tinh thần tích cực và qua đó ông được giao lưu, gặp gỡ với các bạn trẻ.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, thực tiễn lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy chính văn hiến là nguồn lực quan trọng nhất tạo nên sức mạnh của dân tộc. Không chỉ trong sự nghiệp giữ nước, chống ngoại xâm mà cả trong xây dựng quốc gia, văn hiến cũng là cốt lõi để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bản sắc dân tộc và sự thịnh vượng của đất nước. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng hiện nay, điều này càng có giá trị.
Một tiết mục dự thi của sinh viên
“Thế hệ trẻ càng phải thấm nhuần điều đó. Sinh viên là nguồn nhân lực quan trọng, là chủ nhân tương lai của đất nước nên cần được giáo dục, bồi dưỡng tri thức về lịch sử, văn hóa dân tộc” – ông Dương Trung Quốc nhắn nhủ.
Cũng trong vai trò cố vấn, GS.TS Phan Thị Thu Hiền (giảng viên cao cấp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định, các cuộc thi như “Theo dòng văn hiến Việt Nam” mang tính chất sự kiện văn hóa đại chúng. Qua hình thức tranh tài giữa các đội thi về kiến thức cũng như khả năng sáng tạo nghệ thuật, cuộc thi có thể chuyển tải những tri thức về lịch sử, văn hóa dân tộc một cách sinh động, khơi gợi xúc cảm và trách nhiệm cộng đồng. Theo GS. Thu Hiền, bối cảnh hiện đại ngày càng phát triển công nghệ số, công nghệ truyền thông đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo, dữ kiện lớn… Nếu được vun bồi nền tảng văn hóa vững chắc, những người trẻ sẽ là những người dùng thông minh, biết phát huy sức mạnh công nghệ hiện đại trong quảng bá văn hóa dân tộc và biết sáng tạo hiệu quả từ những giá trị truyền thống của cha ông. |
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử không chỉ là bộ nhớ (sự việc, sự kiện…), cần vận dụng các “bài học” của quá khứ một cách sáng tạo phù hợp với hiện tại, góp phần định hướng cho tương lai. Chúng ta không “chiêm ngưỡng” quá khứ mà cần nối tiếp các giá trị của quá khứ, học được những bài học kinh nghiệm từ quá khứ.
Việc giới trẻ chủ động phát huy những giá trị văn hóa truyền thống được ông Dương Trung Quốc cho là vô cùng cần thiết. Ông cũng cho rằng thời đại công nghệ số đòi hỏi việc xây dựng con người mới phải có những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng mới. Và thành tựu khoa học mới không cản trở việc lưu giữ các giá trị truyền thống mà còn giúp thế hệ trẻ tiếp thu các giá trị văn hóa bằng những phương tiện hiện đại, phù hợp và thú vị hơn.
Thục Trân
Bình luận (0)