Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên nước ngoài hướng đến giáo dục Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những ngày qua, khi đến Trường Tiểu học (TH) Đoàn Thị Điểm và Trường TH Nguyễn Trường Tộ (Q.4, TP.HCM), mọi người luôn bắt gặp hình ảnh một nhóm sinh viên (SV) vừa vui chơi cùng các em học sinh (HS) trong giờ giải lao, vừa giúp các em học tiếng Anh qua các môn học trên lớp.

Khuấy động không khí vui tươi này là các bạn SV đến từ Trường ITE College Central, Singapore.
Tập làm thầy giáo, cô giáo

Nhóm bạn SV Trường Cao đẳng ITE College Central, Singapore đang dạy cách phát âm, đánh vần cho các em HS Trường TH Đoàn Thị Điểm
Đoàn SV này gồm 24 bạn và 2 giáo viên hướng dẫn, họ được cử tuyển đến Việt Nam thực tập với mục đích tìm hiểu nền văn hóa, môi trường giáo dục Việt Nam. Trường TH Đoàn Thị Điểm và Trường TH Nguyễn Trường Tộ là 2 địa điểm mà các bạn được phân công đến giao lưu, giảng dạy. Thời gian ở lại trường không nhiều, nhưng với mong muốn được dạy tiếng Anh cho tất cả các em HS, nhóm đã chia ra thành 5 nhóm nhỏ, thay nhau dạy các môn: vi tính, mỹ thuật, thể dục, âm nhạc và tiếng Anh.
Để tạo không khí vừa học, vừa chơi, Joel – cậu SV chuyên ngành Info – Technology (đảm nhận dạy môn thể dục) đã cùng các bạn trong nhóm ghi ra số thứ tự, ngày tháng… vào những chiếc bảng nhỏ rồi đọc to lên cổ động các em HS chạy nhanh lên “cướp” bảng ô chữ (giống như cách chơi môn “giật cờ”). Ai nhanh hơn thì người đó thắng, phần thưởng cho người thắng là một cây bút chì rất dễ thương. Theo Joel, dạy bằng cách này vừa giúp các em HS rèn khả năng nhanh nhẹn cũng như tính mạnh dạn, vừa tạo điều kiện cho các em rèn luyện tiếng Anh.
Còn Sharifah, SV ngành Early Childhood Education (nằm trong nhóm “giáo viên” dạy mỹ thuật) đã rất sáng tạo khi sử dụng các bức tranh về trái cây, nước uống có những màu sắc đẹp mắt nhưng để khuyết phần chữ chú thích rồi yêu cầu các em HS điền từ tiếng Anh vào.
Trong quá trình vẽ tranh, nhiều em thiếu màu, không biết diễn tả bằng tiếng Anh ra sao cũng cố gắng í ới gọi: “Teacher”, em thiếu “green”, em thiếu màu đen; có em lại ra hiệu “me, me”…. Ngược lại, các “thầy cô” trẻ cũng không biết học trò nói gì nên cứ đứng ngớ người ra. Để khắc phụ những “bất đồng” trên, nhóm bạn SV quyết định dùng ngôn ngữ cử chỉ cơ thể với những động tác dễ nhận biết để có thể truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ. Nicole, SV chuyên ngành Event Management vui vẻ nói: “Khi nói từnose” mang nghĩa “cái mũi”, chúng mình kết hợp vừa đọc, vừa chỉ lên cái mũi để các em hiểu nhanh hơn. Cách diễn đạt này khiến nhiều em cảm thấy thích thú và nhớ bài lâu hơn”.
Là người không tham gia giảng dạy các em, thế nhưng, bằng khiếu vẽ của mình, Sabrina đã sáng tạo nên những bức tranh trường học với chủ đề xanh – sạch – đẹp dành tặng các em HS. Tranh được họa lên tường giúp cho ngôi trường trở nên đẹp hơn, ấn tượng hơn. Đặc biệt, tất cả các thành viên của nhóm còn tham gia thiết kế kệ sách thư viện, đóng góp hơn trăm cuốn sách tiếng Anh với mong muốn các em HS có nhiều tài liệu tham khảo để học thật tốt môn tiếng Anh.
Kết thúc buổi giao lưu, giảng dạy trong ngày, cả nhóm cùng nhau ngồi lại tổng kết những gì mà nhóm và mỗi cá nhân đã làm được cũng như chưa làm được. Đây là kế hoạch do nhóm vạch ra để xem trong một ngày làm việc, mình đã học hỏi, tiếp thu được những gì và giúp ích gì cho cuộc sống. Cô Nguyễn Thị Ngọc Nga – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trường Tộ cho biết: “Tuy không phải là SV chuyên ngành sư phạm nhưng các bạn có cách giảng dạy rất khoa học, có thời khóa biểu cụ thể cũng như có bài kiểm tra sau mỗi bài giảng. Cái đáng quý là các bạn làm việc rất năng động, sáng tạo và đúng giờ”. Có thể do bất đồng ngôn ngữ nên những gì mà các bạn giảng giải chưa chắc các em HS đã hiểu hết, nhưng rào cản này không tạo ra khoảng cách giữa “thầy” và trò. Chính vì vậy, bầu không khí học tập tại 2 ngôi trường trên luôn rộn ràng, đầy ắp tiếng cười giòn tan.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Là những SV đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới và được học tập, rèn luyện ở một đất nước có nền giáo dục phát triển – Singarpore. Thế nhưng, thay vì đến thực tập tại những nước có nền giáo dục phát triển hơn, các bạn đã chọn Việt Nam là đích đến. “Con người Việt Nam thân thiện, dễ gần, nền giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển với nhiều yếu tố khả quan. Chúng tôi muốn được tìm hiểu, khám phá, muốn được tham gia giảng dạy để hiểu hơn về đất nước các bạn”, Nicole chia sẻ.
Sau hai tuần giao lưu, giảng dạy tại Việt Nam, các bạn SV đến từ Trường Cao đẳng ITE College Central đã học được cách tự lo cho bản thân, cách thích nghi, hòa đồng cũng như thương yêu người khác. Joel cho hay: “Trước đây, tôi cảm thấy rất khó gần các em nhỏ. Thế nhưng chỉ sau 2 tuần tiếp xúc với các em, tôi trở nên hòa đồng, không còn e ngại như trước nữa”. Còn  Nicole, nhờ dạy môn phát âm, đòi hỏi phải kiên trì mà cô bạn đã giảm được phần nào cái tính nóng nảy của mình. “Sau chuyến thực tập, tôi rèn được tính nhẫn nại và biết lắng nghe”, cô chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Mặc dù nền kinh tế đất nước các bạn còn nhiều khó khăn, thế nhưng đi đến đâu chúng mình cũng đón nhận nụ cười thân thiện, mến khách của người dân. Về nước, mình sẽ giới thiệu những điều này đến các bạn của mình và nếu có dịp quay lại Việt Nam, mình sẽ tiếp tục tham gia giảng dạy tiếng Anh cho các em HS”, Sharifah tâm sự.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)