Sự kiện giáo dụcTin tức

Sinh viên “oằn lưng” với học phí tín chỉ

Tạp Chí Giáo Dục

 

SV Đại học Hồng Bàng làm hồ sơ nhập học. Ảnh: T.HẢI

Cho đến giờ, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn về học phí tín chỉ và các trường thu theo kiểu “tự hiểu – tự thu”. Chính vì vậy, đối với sinh viên (SV) nhiều trường, học phí bỗng “đội” lên hơn hẳn so với quy định học phí mới của Chính phủ. Trong khi đó, dù đã vào cuộc nhưng những đợt thanh tra của Bộ GD-ĐT vẫn chỉ là “đánh bùn sang ao” hoặc “hòa cả làng”.
Biến tướng học phí tín chỉ
Từ năm 2006 đến nay, SV ĐH Công nghiệp Hà Nội luôn bất bình với các khoản thu của trường. Đối với những SV học theo tín chỉ của trường thì phải đóng 105.000đ/tín chỉ. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết tổng số tín chỉ SV phải học trong 4 năm học là 130 tín chỉ. Vậy số tiền SV phải đóng (mức hiện tại) là 130 x 105.000 = 13.650.000đ. Trong khi đó, học phí theo quy định của bộ là 2.400.000 x 4 = 9.600.000đ. Trong khi đó, tại ĐH Ngoại thương, trong khi các SV năm thứ 3 trở lên đóng học phí theo niên chế (240.000đ/tháng/SV) thì SV năm thứ nhất thứ hai lại đóng theo tín chỉ. SV năm thứ hai của trường cho biết môn học 3 môn sẽ được tính bằng 4 tín chỉ, mỗi tín chỉ đóng 70.000đ. Học kỳ I, SV này đăng ký học 7 môn đóng 1.470.000đ. Trong khi SV năm thứ 3 cũng học 7 môn (6 môn 3 trình, 1 môn 2 trình) nhưng học phí vẫn chỉ 1.200.000đ/kỳ.
Ở ĐH Bách khoa Hà Nội, một SV năm thứ 3 cho hay năm 2008, giá của một học phí tín chỉ là 50.000đ, năm nay là 60.000đ. Tuy nhiên, điều lạ lùng là học phí tín chỉ không được tính theo tín chỉ học. SV này đăng ký học 22 tín chỉ trong học kỳ I (năm học 2009-2010) nhưng khi tính ra học phí tín chỉ thì con số lại là 36,5. Và số tiền phải đóng thay vì 1.320.000đ thì lại “đội” lên thành 2.190.000đ. Có những môn tín chỉ học được tính là 3 nhưng tín chỉ học phí lại thành 5 như môn kỹ thuật đo lường. Theo SV này, tín chỉ học phí được trường tính dựa vào số tiết học/tuần và thời gian thực hành. Còn tín chỉ là để tính khi ra trường.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT, học phí theo tín chỉ được tính theo công thức: 1 tín chỉ = học phí tổng khóa học (240.000đ/tháng/SV)/ tổng số tín chỉ SV được học. Chính vì vậy, số tiền SV phải đóng nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng tín chỉ của mỗi trường. Với cách tính này, theo ông Ngữ học phí không thể vượt khung Nhà nước quy định là 240.000 đồng/tháng. Còn nếu vượt là sai.
Thanh tra “hòa cả làng”
Vấn đề đáng nói ở chỗ tình trạng lạm thu tại các trường ĐH đã kéo dài trong nhiều năm, SV cũng kêu nhiều nhưng không hiểu sao dù Thanh tra Bộ GD-ĐT đã “xắn tay” vào cuộc nhưng vẫn thế. Năm học này, SV ĐH Công nghiệp TP.HCM bức xúc khi phải đóng học phí 110.000 đồng một tín chỉ hệ đại học và 105.000 đồng một tín chỉ hệ cao đẳng thì đoàn thanh tra của bộ lại kết luận, trường chỉ thu 70.000 đồng một tín chỉ đại học và 65.000 đồng một tín chỉ cao đẳng, tương đương với 2,4 triệu đồng/năm. Ngoài ra SV còn phải đóng thêm 1,6 triệu đồng/SV tiền tăng cường cơ sở vật chất. ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng khiến SV bức xúc trong thời gian qua vì học phí cao, cơ sở vật chất không đảm bảo nhưng kết luận của bộ chỉ có một dòng duy nhất: “Trường chưa công khai mức thu học phí và các khoản đóng góp trên website của trường, chưa xây dựng được cụ thể danh mục đầu tư từ nguồn tăng học phí”.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT tiến hành thanh tra 12 trường ĐH. Có lẽ chưa có lần thanh tra nào diễn ra nhanh chóng đến thế (từ 12 đến 20-10) và cũng chưa có cuộc thanh tra nào kết quả lại công khai đến thế. Kết luận cuối cùng đối với những trường được bộ thanh tra là… không có gì nổi cộm. ĐH Công nghiệp Hà Nội đã có tiền lệ “lùm xùm” về chuyện tiền nong từ năm 2006 đến nay, Thanh tra Bộ GD-ĐT dành thời gian thanh tra vào ngày 24-10. Nhưng đến nay, kết quả thế nào thì chưa được bộ công bố.
Còn đối với kết quả thanh tra của hầu hết các trường ĐH vừa qua, dư luận đã đặt rất nhiều câu hỏi mà ngành giáo dục không thể trả lời. Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ kiểm tra tiếp Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thì mới có kết luận trường thu 1,6 triệu đồng/SV/năm để chi vào những việc gì. Trong khi đó, theo GS. Phạm Phụ, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) hiện nay Việt Nam đang thiếu cơ chế bảo vệ khách hàng SV. Mọi chuyện xảy ra, cuối cùng, SV vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)