Không ít sinh viên xem thời gian thực tập cho có, làm việc qua loa và chỉ mong nhanh hết thời gian này để nhận được giấy xác nhận của đơn vị thực tập.
Sinh viên ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn trong một buổi thực tập. LÊ THANH
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển dụng nhân sự, khoảng thời gian thực tập của sinh viên trước khi ra trường là vô cùng quan trọng, chính vì vậy các bạn phải biết tận dụng tối đa cơ hội học hỏi, cọ xát môi trường làm việc thực tế để làm hành trang cho mình trong tương lại.
Vậy sinh viên phải tận dụng khoảng thời gian này như thế nào và cần phải làm gì để có một kỳ thực tập hữu ích cho bản thân?
Tự giác nhận việc việc để được làm
Anh Bùi Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Nam Việt, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho rằng: “Công ty khác với trường học. Những người nhân viên ở công ty không có nghĩa vụ và trách nhiệm phải huấn luyện sinh viên thực tập. Chưa kể là, mỗi nhân viên trong công ty đều có nhiệm vụ và công việc riêng của mỗi người. Thời gian để họ xử lý hết mớ công việc của riêng mình nhiều khi còn chưa xong thì lấy đâu ra thời gian để chỉ bảo các bạn”.
Hơn nữa, theo anh Toàn, do bạn là sinh viên mới vào thực tập, họ chưa biết được khả năng của bạn ra sao nên rất dè dặt giao ngay công việc của họ cho bạn làm. “Lý do đơn giản vì họ sợ giao việc cho bạn lỡ bạn làm không xong, sẽ trễ tiến độ công việc của họ. Cho nên, thôi thà để tự họ làm một mình cho xong, không giao gì hết”, anh Toàn nói.
Sinh viên xin việc trong ngày hội việc làm do Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tổ chức. LÊ THANH
Vậy sinh viên thực tập làm sao có cơ hội để tiếp cận công việc? Anh Toàn, chia sẻ: “Ngoài việc trang bị kỹ năng giao tiếp tốt, tự tin thì khi vào thực tập ở các công ty, doanh nghiệp các bạn sinh viên phải có tính tự giác cao. “Đó là bạn phải tự giác nhận việc để được làm. Việc gì các bạn nhắm thấy khả năng mình làm được thì phải làm ngay. Kể cả những việc mà bạn cho là nhỏ nhặt, như: photo, scan, fax công văn giấy tờ phụ giúp sếp hoặc nhân viên nơi bạn thực tập. Chẳng hạn, nghe sếp bảo giao hồ sơ cho phòng này, chuyển hồ sơ kia cho chỗ nào đó thì phải đến xin nhận việc mà làm…”.
Gom nhặt được những kiến thức cần thiết
Anh Huỳnh Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bình Long (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Tôi rất khắt khe với những sinh viên về chuyện thực tập tại công ty mình. Trước khi nhận các em vào thực tập, bao giờ chúng tôi cũng có tổ chức một buổi họp chung với nhân viên và giới thiệu cho các em có cái nhìn tổng quan về công ty. Tại buổi họp ấy chúng tôi phổ biết những nội quy, quy định và buộc các em phải tuân thủ trong suốt quá trình thực tập. Theo suy nghĩ của riêng tôi, thực tập là quá trình học việc, cho nên đây là thời gian các em phải cố gắng làm sao tiếp cận để học được từ môi trường thực tế càng nhiều càng tốt”.
Khi bạn được trang bị kiến thức, kỹ năng vững vàng thì rất tự tin trước nhà tuyển dụng. LÊ THANH
Ông Phương cho biết thêm: “Trong kết quả báo cáo thực tập tôi cũng rất khắt khe, xem rất kỹ bản báo cáo rồi mới ký. Chỗ nào tôi thấy làm chưa đúng, làm theo kiểu copy của người khác, tôi sẽ hỏi vặn lại, nếu không giải thích được là tôi bắt phải làm lại báo cáo. Làm vậy, không phải tôi khó với các em mà tôi muốn các em phải gom nhặt được những kiến thức cần thiết trong quá trình thực tập để sau này khi các em đi xin việc người ta không đánh giá thấp các em”.
Ở góc độ người làm cầu nối tuyển dụng hàng ngàn nhân sự mỗi năm cho các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, anh Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Niên TP.HCM, cho rằng: “Trong quá trình thực tập, sinh viên phải tận dụng tối đa khoảng thời gian này để trau dồi về các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình… Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm cũng rất quan trọng cho nên các bạn cần phải học hỏi. Có thể bạn sẽ nằm trong nhóm làm chung với người mình không thích trước đó nhưng phải biết kiềm chế cái tôi vì công việc chung”.
Lê Thanh/TNO
Bình luận (0)