Theo Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian đào tạo ĐH sẽ rút ngắn xuống còn 3 – 4 năm thay vì 4 – 6 năm như hiện nay.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đào tạo bậc ĐH trong 4 năm kể từ 2014 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trước yêu cầu này, các trường ĐH thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp.
TÍch hợp môn lý thuyết và thực hành
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM từng có thời gian đào tạo ĐH lên tới 5 năm cho tất cả các ngành. Từ năm 2008, trường này rút xuống 4 năm rưỡi và tiếp tục giảm xuống còn 4 năm bắt đầu từ năm 2014. Tương ứng với việc giảm thêm một học kỳ này, trường giảm bớt 18 tín chỉ trong chương trình đào tạo (từ 158 xuống 140 tín chỉ).
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết số lượng tín chỉ được rút ngắn trên cơ sở tích hợp các môn học lý thuyết và thực hành. Chẳng hạn, môn vi xử lý trước đó dạy trong 2 học kỳ gồm một học kỳ lý thuyết và một học kỳ thí nghiệm. Nay, môn học này dạy gói gọn trong một học kỳ với cả 2 phần kiến thức trên. Theo ông Thông, việc rút ngắn thời gian đào tạo không phải giảm cơ học mà thực hiện đồng thời với điều chỉnh chương trình.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đào tạo sinh viên với thời gian cứng 5 năm trước thời điểm năm 2008, sau đó trường rút xuống 4 năm ở tất cả các ngành. Tổng số tín chỉ trong chương trình đào tạo giảm từ 180 xuống còn 150. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng, mục tiêu nhằm thay đổi cách giảng dạy của giảng viên, tăng thời gian tự học của sinh viên. Bên cạnh đó, trường cũng tiến hành tích hợp một số môn học có sự chồng lấn kiến thức để giảm bớt số lượng môn học.
Nhiều ý kiến trái chiều
|
Trong khi đó, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hiện vẫn còn một ngành đào tạo trong 5 năm là thú y, các ngành còn lại 4 năm với 135 tín chỉ. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết một số ngành khác có những khoa chuyên môn đề xuất không rút ngắn thời gian đào tạo với lý do đảm bảo chất lượng sinh viên đầu ra, ví dụ công nghệ sinh học.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, việc rút ngắn thời gian đào tạo xuống dưới 4 năm cần tùy thuộc nhóm ngành. Nhóm ngành kỹ thuật công nghệ vẫn nên duy trì ở mức 4 năm, rút ngắn nhóm ngành kinh tế. Tiến sĩ Lý dẫn chứng, thống kê từ trường cho thấy sau 5 khóa sinh viên tốt nghiệp gần nhất, có 246 sinh viên tốt nghiệp chỉ trong 3 năm và 1.757 người trong vòng 3 năm rưỡi. Tỷ lệ này đạt 12%, trong đó chủ yếu là sinh viên khối ngành kinh tế.
Tiến sĩ Lê Chí Thông cho rằng với hệ thống giáo dục tổng thể hiện nay của VN, các ngành kỹ thuật không thể đào tạo trong khoảng thời gian 3 năm vì khối lượng kiến thức rất nặng, nếu đào tạo trong 3 năm có thể kiến thức chưa hoàn chỉnh. Theo tiến sĩ Thông, trên thế giới mỗi nước có thời gian đào tạo kỹ sư khác nhau tùy thuộc vào hệ thống giáo dục nước đó. Chẳng hạn, Pháp vẫn đào tạo kỹ sư trong 5 năm. Trong khi tại Mỹ, sinh viên ngành kỹ thuật tốt nghiệp ĐH lấy bằng cử nhân sau đó mới thi lấy bằng kỹ sư. Còn ở VN, các trường ĐH đào tạo kỹ thuật cấp bằng kỹ sư nên không thể chỉ trong vòng 3 năm.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, muốn điều chỉnh thời gian đào tạo ĐH cần có sự liên thông của bậc phổ thông. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng việc kéo dài thời gian đào tạo ở mức 4,5 – 5 năm sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội và bản thân sinh viên.
Về vấn đề này, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng việc thiết kế chương trình đào tạo cần phụ thuộc vào tình hình cụ thể của đất nước. Với điều kiện cụ thể của VN hiện nay, trường ĐH đào tạo sinh viên để đi làm chỉ cần trong 3 năm, nhưng trường đào tạo sinh viên phục vụ nghiên cứu cơ bản thì phải 4 năm. Đặc biệt khối ngành đào tạo sức khỏe, thời gian đào tạo nhất thiết phải duy trì trong 6 năm chứ không thể theo khung cứng 3 – 4 năm như đề án đề xuất. Bởi lẽ, đây là ngành đặc thù liên quan đến sức khỏe con người, nguồn nhân lực cần được đào tạo bài bản. Ngay như Mỹ, để theo học ngành y sinh viên trước đó cần phải có bằng ĐH khác.
Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)