Nhiều sinh viên K57 của Trường đại học Kinh tế Quốc dân đã sốc, khi vào đầu năm học mới biết trường tăng học phí.
Nhiều sinh viên lo phải bỏ học vì tăng học phí
Trên một diễn đàn của sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân, một đại diện sinh viên K57 (chuẩn bị lên năm thứ 2) chia sẻ nỗi niềm của em và các bạn sau khi nghe tin học phí của các em năm học 2016 – 2017 sẽ tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/ năm học so với năm ngoái. Theo đó, học phí nhóm ngành thấp nhất sẽ ở mức 12 triệu đồng/ năm học (năm ngoái 9,5 triệu đồng), nhóm ngành cao nhất là 17 triệu đồng (năm ngoái là 13,5 triệu đồng). Vì thế một số sinh viên cho biết các em nung nấu ý nghĩ thôi học do đối mặt với nguy cơ không có khả năng chi trả học phí.
Chia sẻ với Thanh Niên, PGS – TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân xác nhận thông tin tăng học phí với các mức học phí như trên dành cho học sinh K57 là có thật, tuy nhiên động thái tăng học phí nằm trong một lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Chương giải thích: “Trường đại học Kinh tế Quốc dân là một trong số ít trường được Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cụ thể ở quyết định 368 ban hành từ tháng 3.2015. Theo quyết định này, mức thu học phí bình quân của chương trình đại trà trình độ đại học tối đa năm học 2016 – 2017 là 13,5 triệu đồng/ năm học. Mức thu thực tế mà nhà trường dự định thu đã tuân thủ quyết định này, đồng thời phù hợp với nội dung Nghị định 86 (mà Chính phủ ban hành vào tháng 10.2015) về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, mức trần học phí dành cho nhóm ngành kinh tế các trường thuộc diện thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động từ năm học 2015 – 2016 đến 2017 – 2018 là 17,5 triệu đồng/ năm”.
Cũng theo ông Chương, nhà trường đang ở một giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ tài chính (phải tự cân đối thu – chi) thì việc thu học phí cao là điều không thể tránh khỏi. Thực ra, trường không hề tìm mọi cách thu cao nhất ở mức có thể, bởi ngay cả mức học phí của năm học tới cũng chỉ mới tiệm cận thu bù chi chứ chưa đáp ứng nhu cầu thu đủ chi cho hoạt động thường xuyên.
Do sinh viên chưa quan tâm trước khi nhập học?
Theo nhiều chuyên gia về quản lý giáo dục đại học, tự chủ đại học là một xu hướng tất yếu, việc Chính phủ cho phép một số trường thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là động thái đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, song song với tự chủ là trách nhiệm giải trình, trong đó công khai, minh bạch thông tin là một yêu cầu bắt buộc.
Ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cũng xác nhận, theo Nghị định 86, người đứng đầu cơ sở đào tạo đại học thuộc T.Ư quản lý có quyền chủ động quy định chế độ thu học phí cụ thể đối với các đơn vị, chương trình đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý của mình, đồng thời phải thực hiện chế độ công khai, minh bạch cho toàn khóa học. “Quy chế về công khai do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2009 cũng yêu cầu các trường đại học phải công khai mức thu học phí và các khoản thu khác cho từng năm học và dự kiến cả khóa học không chỉ trên trang điện tử của mình mà còn thể hiện đầy đủ trên các tài liệu in sẵn để sẵn sàng phục vụ những người quan tâm. Các tài liệu này phải được phổ biến tới người học, trước thời điểm tuyển sinh, trước thời điểm sinh viên nhập học. Không để xảy ra trường hợp “bắt bí” nhau, sinh viên vào trường rồi mới biết”, ông Quang nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Chương khẳng định ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động với Trường đại học Kinh tế Quốc dân (quyết định 368), nhà trường đã đăng tải toàn văn nội dung đề án này trên trang điện tử của mình, trong đó thể hiện cụ thể lộ trình học phí của 3 năm học (từ 2014 – 2015 đến 2016 – 2017). Thời điểm đó nhà trường chưa tuyển sinh K57. Sau đó, đến tháng 3.2016, cũng trên trang điện tử của mình, nhà trường cũng đã có thông báo về mức thu học phí cụ thể với 3 nhóm ngành năm học 2016 – 2017 (chỉ áp dụng với K57, còn các khóa trước nhà trường vẫn thu theo mức trước khi đề án được phê duyệt). Thời điểm đó không sinh viên nào có ý kiến. Chỉ đến khi bắt đầu vào năm học mới, các em mới bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội. Hiện nay phía nhà trường hiện cũng chưa nhận được văn bản kiến nghị chính thức nào của các em.
Tuy nhiên, khi được hỏi nhà trường có đảm bảo mọi sinh viên K57 đều đã được nhận thông báo về mức học phí và lộ trình tăng cho các năm học tiếp theo của toàn khóa trước khi làm thủ tục nhập học, ông Chương cho biết sẽ kiểm tra lại cụ thể. Theo báo cáo của Phòng Công tác học sinh sinh viên, nhà trường đã chia sẻ thông tin đầy đủ cho sinh viên và gia đình trước khi các em nhập học.
Tuy nhiên, do K57 trúng tuyển trong một bối cảnh khá “đặc biệt”. Năm 2015 lần đầu cả nước xét tuyển theo hình thức cho thí sinh thay đổi nguyện vọng liên tục trong quá trình nộp hồ sơ, dẫn đến cao trào rút – nộp hồ sơ tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong phiên rút – nộp hồ sơ cuối cùng, vui mừng do trúng tuyển vào trường đã khiến sinh viên và gia đình họ chưa dành sự quan tâm đúng mức về vấn đề học phí. “Sự việc này là một vấn đề nhà trường phải rút kinh nghiệm. Do đang trong giai đoạn chuyển đổi nên các động thái chưa chuẩn mực, nhất là về vấn đề truyền thông. Từ nay về sau, chắc chắn nhà trường sẽ phải quan tâm việc truyền đạt thông tin đầy đủ, đảm bảo tới được từng sinh viên trước khi các em nhập học về vấn đề học phí và lộ trình tăng trong toàn khóa học”, ông Chương chia sẻ.
Sẽ không để sinh viên phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí
Theo ông Chương, tháng 8 tới, trước khi vào năm học mới, trường sẽ giải thích cặn kẽ với sinh viên, đồng thời lắng nghe kiến nghị của các em. Nhà trường sẽ cố gắng không để sinh viên nào của nhà trường phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn mà không có tiền đóng học phí. Ông Chương cho biết, theo thông lệ, quỹ học bổng của nhà trường (ước chừng hơn 8 tỉ đồng/ năm học) là chỉ ưu tiên cho sinh viên học giỏi. Tuy nhiên, từ năm học này, nhà trường sẽ trích khoảng 30% quỹ này để dành cho đối tượng sinh viên nghèo.
|
Quý Hiên (TNO)
Bình luận (0)