Đào tạo giáo viên phải đổi mới theo hướng giống như trường y, cho sinh viên học ngay tại bệnh viện thì mới có thể bắt nhịp đổi mới giáo dục phổ thông.
Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên (GV) trong các trường ĐH sư phạm (SP) đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cấp bách nhu cầu chất lượng
Hiện nay, thực tiễn đã đặt ra vấn đề cơ cấu lại các trường ĐH, CĐ SP. Theo ông, cách thức này có phù hợp?
Từ năm 2008 – 2009 tôi đã có đề tài nghiên cứu về việc cơ cấu lại hệ thống các trường SP. Do lịch sử của ngành, trong những giai đoạn đầu chúng ta quá thiếu GV, cần phải phát triển về số lượng và chúng ta đã chấp nhận phát triển theo số lượng để đáp ứng nhu cầu. Do vậy mới mở ra hệ thống các trường SP từ trung cấp, CĐ cho đến hệ thống ĐH. Đã có những lúc có tới 142 trường SP. Mỗi tỉnh có một trường, thậm chí nhiều tỉnh vừa có CĐ vừa có ĐH.
Nhưng bây giờ đã khác, không còn có nhu cầu cấp bách về số lượng GV mà chính là nhu cầu về chất lượng. Để đáp ứng được yêu cầu này thì trường SP phải được cấu trúc lại theo hướng tạo ra những cơ sở vừa đào tạo vừa nghiên cứu. Những cơ sở ấy phải đủ lớn, đủ mạnh.
Cấu trúc lại theo hướng giảm bớt các cơ sở đào tạo bằng cách gom lại để thiết kế những trường phải đủ mạnh cả về nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất.
Ngoài ra, phải cải tạo về mô hình đào tạo GV. Người ta lấy mô hình đào tạo GV “lâm sàng”. Giống như trường y, sinh viên được học tại bệnh viện, thì sắp tới việc đào tạo GV cũng phải được thực hiện trong chính môi trường nhà trường phổ thông. Trường SP lúc đó sẽ có những trường phổ thông như bệnh viện thực hành của trường y. Đây là mô hình trên thế giới họ đã làm.
Không còn kiểu thực tập chỉ “ngửi mùi”
Đào tạo “lâm sàng” như ông nói có khả thi hay không khi thực hiện ở VN?
Theo tôi là hoàn toàn khả thi. Ở VN những năm 1976 – 1987 đã có mô hình thực nghiệm ấy rồi, đó là mô hình “vừa học vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn thực nghiệm trong 10 năm. Tiếc rằng mô hình đó diễn ra trong bối cảnh chúng ta chưa có hội nhập quốc tế về đào tạo GV, cũng là giai đoạn chúng ta đang thiếu về số lượng GV nên tư duy lúc đó không đuổi kịp đổi mới ấy. Do vậy mô hình đó không được người ta mặn mà, ủng hộ. Lúc đó sinh viên có một số giờ lớn làm việc ở trường phổ thông ngoài giờ học lý thuyết trên trường SP, rất giống việc đào tạo ở trường y hiện nay.
Mô hình đó có đưa vào đề án đổi mới đào tạo, bồi dưỡng GV sắp tới cùng với đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hay chưa?
Tôi có chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học về mô hình này và đã được nghiệm thu năm 2015. Các trường có thể vận dụng nghiên cứu này để áp dụng thực tiễn đào tạo GV của trường mình.
Tôi cho rằng mô hình này có cơ hội. Trước đây, thời kỳ chạy theo số lượng, mỗi năm một trường SP “lùa” khoảng 2.000 sinh viên đi thực tập, thực ra chỉ là để cho họ “ngửi mùi” phổ thông tí chút thôi. Bây giờ đào tạo SP ít hơn thì sẽ có điều kiện cho sinh viên thực tập như một GV thực thụ.
Sợ đến lúc chẳng có người vào sư phạm
Giải quyết căn cơ về chất lượng đào tạo GV lúc này, theo ông là gì?
Làm thế nào để thu hút được người giỏi nhất vào học SP, đó là vấn đề rất lớn. Giai đoạn 1997 – 2006 những học sinh vào SP là những em cực giỏi, giỏi nhất. Để đỗ vào Khoa toán Trường ĐH SP Hà Nội các em phải đạt 27 điểm/3 môn, các khoa khác đều từ 24 điểm trở lên…
Thời kỳ ấy đào tạo GV ra rất tốt. Còn bây giờ, ngoài trường ĐH SP Hà Nội, TP.HCM còn chủ động tuyển sinh được, có những trường thậm chí không tuyển sinh được. Ví dụ, Trường ĐH SP Thái Nguyên năm nay chỉ tuyển được 1/2 chỉ tiêu dự kiến. Và có lẽ đến một lúc nào đó người ta cũng chẳng vào SP.
Tuy nhiên, chính thực trạng nhu cầu đầu vào và đầu ra SP ít sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta nâng cao chất lượng. Khi không phải chạy theo số lượng thì chúng ta sẽ có điều kiện tập trung vào chất lượng, cái khó sẽ xuất hiện những cái thuận lợi.
Cần tăng thời gian thực tập
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), nhận xét: “Hiện nay, thời gian trường SP đưa sinh viên về trường phổ thông quá ít so với nhu cầu thực tế và so với cả thời kỳ trước đây. Ngày xưa chúng tôi đi học SP thì năm thứ hai đã bắt đầu xuống trường phổ thông làm quen, năm thứ ba bắt đầu dạy thực tập 1 tháng, năm thứ tư thực tập mấy tháng ở trường rồi…”. Hậu quả, theo bà Hiền, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của các trường ĐH SP nhưng hầu hết đều phải đào tạo lại từ kỹ năng, nghiệp vụ SP cho tới kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong môi trường học đường… Do vậy, bà Hiền cho rằng tăng thời gian thực tập của sinh viên SP là điều phải quan tâm hàng đầu khi đổi mới đào tạo GV.
T.Mai
|
Tái cấu trúc hệ thống trường sư phạm
Hôm qua 21.12 tại Hà Nội, Hội Cựu giáo chức VN và Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo khoa học 70 năm SP VN – đổi mới và phát triển.
Trong báo cáo đề dẫn, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN, bày tỏ không ít băn khoăn của hội về ngành SP như tuyển sinh vào các trường SP gặp khó khăn, lương GV vào loại thấp. Ngoài ra, chất lượng GV nói chung cũng có vấn đề. Cũng theo GS Hạc, từ năm học 2016 – 2017, vấn đề GV ở vị trí thứ hai trong 9 nhiệm vụ của ngành giáo dục. Nếu nhiệm vụ này không giải quyết thấu đáo, có thể nói khó lòng thực hiện thành công Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Theo thống kê của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT công bố tại hội thảo, tính đến tháng 11.2016, cả nước có 114 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có 9 trường ĐH SP, 5 trường ĐH SP kỹ thuật, 1 trường ĐH giáo dục, 1 học viện cán bộ quản lý giáo dục, 33 trường CĐ SP, 47 khoa ngành SP trong các trường CĐ đa ngành, 2 trường trung cấp SP và 3 cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, tạo thành một hệ thống được phân bố đều khắp ở tất cả các vùng, miền, địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, việc có nhiều cơ sở đào tạo, phân rộng và quy mô đào tạo của mỗi cơ sở nhỏ dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún và dàn trải. Nhiều trường SP phát triển trong tình trạng thiếu ổn định; năng lực và quy mô đào tạo của mạng lưới các trường SP đã vượt quá nhu cầu về số lượng GV nhất là ở bậc THCS và THPT. Nhiều sinh viên SP sau khi tốt nghiệp không có việc làm hoặc làm không đúng với chuyên ngành được đào tạo…
Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh, cần quy hoạch mạng lưới các trường SP và tập trung đầu tư có trọng điểm.
Tuệ Nguyễn – Quý Hiên
|
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)