Những ngày này trên các vựa hoa của Đà Nẵng, nhiều sinh viên xa quê tranh thủ thời gian rảnh để nhận làm thời vụ việc ngắt nụ, lá hoa cúc. Công việc không ngơi tay ấy mang đến cho họ nguồn thu nhập nhỏ nhằm trang trải lộ phí xe tàu về quê, đỡ gánh nặng cho gia đình…
Trên các cánh đồng hoa cúc ở Đà Nẵng, nhiều sinh viên đang tất bật làm thêm để kiếm tiền chi phí về nhà đón Tết
1.Chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán, công việc hái tỉa nụ và lá hoa cúc luôn thu hút nhiều sinh viên tham gia. Có mặt tại làng hoa ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) từ sáng sớm, chúng tôi thấy nhiều nhóm sinh viên trong trang phục lao động, ăn vội ổ bánh mì bữa sáng rồi tỏa ra các dãy hoa để bắt đầu công việc của mình. Những đôi tay thoăn thoắt như những người thợ lành nghề tạo vẻ đẹp cho các chậu hoa cúc đang kỳ ươm nụ. Thi thoảng, các chủ vườn dạo một vòng qua các chậu hoa đã tỉa ngắt để kiểm tra, hướng dẫn thêm với mong muốn tạo ra những chậu hoa đẹp.
Em Võ Thị Bích Hạ (quê ở tỉnh Phú Yên), hiện đang là sinh viên Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng chia sẻ: “Em đến làm ở đây hơn 20 ngày rồi. Công việc chính là nhổ cỏ, nhặt lá vàng dưới gốc hoa và tỉa bớt các nụ nhỏ không cần thiết trên hoa. Nhìn đơn giản thế nhưng chủ vườn hướng dẫn tỉ mỉ cả tuần chúng em mới thành thạo được công việc này. Làm việc suốt ngày khá mệt nhưng em thấy vui vì kiếm thêm được thu nhập để mua vé xe về quê ăn Tết. Nếu dư chút đỉnh, em sẽ cùng mẹ đi chợ sắm các món quà Tết cho gia đình”.
Ông Phạm Văn Thanh – chủ vườn hoa cúc ở phường Hòa Cường Bắc chia sẻ: “Biết các cháu sinh viên bận học nên tôi tạo điều kiện cho các cháu làm theo giờ”
Cặm cụi tỉa nụ hoa cách đó không xa, em Võ Thị Ngọc Trinh cho biết: “Em dự tính làm đến 23 Tết thì sẽ về nhà. Dù ngày công không cao và công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận để tránh gãy hoa nhưng em vẫn thấy ổn khi làm ở đây. Ít nhất, trong gần 1 tháng làm việc cũng sẽ dôi dư một ít để mua vé xe, mua quà về Tết cho gia đình. Em thấy rất vui vì vừa có thu nhập vừa học hỏi được kinh nghiệm làm việc, trải nghiệm công việc của người nông dân trồng hoa nó vất vả như thế nào. Chính những ngày làm thêm như thế em thấy thương ba mẹ và người dân quê mình hơn”.
2.Ông Phạm Văn Thanh – chủ vườn hoa cúc tại phường Hòa Cường Bắc cho biết, giai đoạn này, công việc chăm sóc hoa chủ yếu là ngắt lá và chồi để cây tập trung dưỡng chất nuôi búp. Công việc tuy không khó nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và cẩn thận. Thông thường, chủ vườn trả công lao động cho các sinh viên dao động từ 15.000 – 17.000 đồng/giờ đồng hồ. Thời gian làm việc từ 7-11 giờ và từ 13-17 giờ. Tiền công được trả theo ngày hoặc theo tuần, tùy vào ý muốn của người lao động. “Vườn tôi năm nào cũng có sinh viên đến xin làm thêm cận Tết. Nhiều em trở lại làm nhiều lần nên tôi ít mất thời gian hướng dẫn. Biết các cháu bận học nên rảnh giờ nào đến là tôi đều nhận và chấm công theo giờ để tạo điều kiện cho các cháu có thu nhập. Các cháu cũng như con cháu mình nên tạo được điều kiện cho các cháu thì tôi rất vui lòng”, ông Thanh nói.
Trên các cánh đồng hoa khác thuộc quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Cường Bắc… không khí lao động giữa các vườn hoa diễn ra khá tấp nập. Trên các luống hoa, cùng với các nông dân trồng hoa, nhiều nhóm sinh viên hăng say làm việc. Thi thoảng xen lẫn giữa những câu chuyện xóa tan sự mệt nhọc của công việc là chuyện học hành, thi cử cuối kỳ hay đặt vé xe, tàu về quê đón Tết cùng gia đình.
Năm nay, TP.Đà Nẵng tổ chức 3 điểm chợ hoa Tết, gồm: Quảng trường 29-2 (quận Hải Châu), khu vực cạnh công viên Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và khu vực Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang. Hiện các nhà vườn đang khẩn trương chăm sóc, tỉa lá để đảm bảo hoa nở đúng độ Tết đến nhằm phục vụ người chơi hoa. Theo kế hoạch, chợ hoa Tết Quý Mão 2023 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 21-1-2023 (tức 21 đến 30 tháng chạp âm lịch). |
Tại vườn hoa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Hải Châu), bà Lê Thị Hồng – chủ một vườn hoa đang theo dõi và hướng dẫn cho nhóm khoảng 10 sinh viên đang ngắt lá bông cúc. Bà Hồng bảo: “Năm nay tôi trồng 800 chậu cúc. Các mùa Tết trước, tôi thuê một số bà con nông dân ở Cẩm Lệ xuống nhặt lá búp. Sau thấy các cháu sinh viên siêng năng, nhẹ nhàng lại nhặt có thẩm mỹ nên tôi gọi các cháu làm. Hầu hết các cháu đến làm ở đây đều là con em nông dân ở các tỉnh miền Trung nên rất chịu khó, lại biết việc”.
Không chỉ là câu chuyện kiếm thêm thu nhập, với nhiều sinh viên việc làm thêm trên các cánh đồng hoa giúp họ hiểu hơn công việc của người nông dân một nắng hai sương để làm ra sản phẩm. “Đi làm như thế này em mới thấy thương ba mẹ và trân quý hơn thành quả lao động của người nông dân”, Bích Hạ bộc bạch.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)