Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên thà kham khổ miễn ôm được iPhone?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều sinh viên ăn uống kham khổ nhưng vẫn gắng để dành tiền mua điện thoại đắt tiền, suốt ngày 'ôm' điện thoại chơi game, lướt Facebook, Zalo…

Sinh viên thà kham khổ miễn ôm được  iPhone? - Ảnh 1.

Đi chơi cùng nhau, nhưng nhiều người trong nhóm bạn trẻ này chỉ chăm chăm vào điện thoại – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là cảnh báo của TS Lê Đức Hoàng – Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo trung ương – tại hội thảo và tập huấn về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 10-11.

Theo ông Hoàng, hội chứng "nghiện điện thoại" đang diễn ra khá phổ biến, nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho Facebook, Zalo, các trò chơi điện tử… trên điện thoại mà xao nhãng việc học hành. 

"Nhiều sinh viên đời sống rất khó khăn, ăn uống kham khổ nhưng vẫn cố gắng dành tiền để mua điện thoại iPhone đắt tiền. Nhiều sinh viên bị lệch lạc về quan điểm giá trị, chỉ chạy theo hình thức bề ngoài" – ông Hoàng dẫn chứng.

Đáng ngại là "lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên, học sinh, sinh viên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, mà còn là mối nguy về sức khỏe và sự phát triển của giống nòi".

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm về tác động của Internet, mạng xã hội đến đời sống tinh thần của học sinh, sinh viên. Các chuyên gia cũng đưa ra một số nghiên cứu, hướng dẫn phương pháp giúp sinh viên khai thác mạng xã hội, Internet một cách lành mạnh.

GS Nguyễn Quý Thanh – hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội – chỉ ra những nguy hiểm, rủi ro mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng mạng xã hội, Internet (nội dung xuyên tạc, bịa đặt, gây sợ hãi, khuyến khích việc tự gây tổn thương…). 

Vì vậy, sinh viên cần xây dựng môi trường trực tuyến tích cực, cẩn trọng với những gì định chia sẻ trên mạng, không cổ vũ, kích động những hành vi xấu.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Linh – phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT – lại cho rằng cần khai thác hiệu quả những mặt tích cực của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục và quản lý học sinh, sinh viên. 

Theo kế hoạch, để thực hiện chiến lược phát triển thanh niên VN giai đoạn 2 (2016-2020), Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án về ứng xử văn hóa trong trường học.

NGỌC HÀ/TTO

 

Bình luận (0)