Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên “thấp thỏm” khi thực hành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong giờ thực hành

Mỗi khi vào phòng thí nghiệm cả thầy và trò đều “thấp thỏm” với những dụng cụ đắt tiền, bởi trò thì sợ… đền nếu chẳng may làm hư thiết bị, còn thầy hướng dẫn thì lo… thiết bị bị hỏng. P.V.T (SV ngành CĐ hóa phân tích Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nói: “Em đã từng mất ăn mất ngủ sau một lần thực hành vì vô tình làm rơi nắp bình hút ẩm vào ống xoắn. Ống xoắn trị giá đến hàng chục triệu đồng. May mà lần đó, dụng cụ này chỉ bị hỏng nhẹ và em có thể mang ra tiệm cắt kính nhờ nối lại”. Việc chẳng may làm hư hỏng dụng cụ thực hành như T. là khó tránh và đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít SV trường này. 
Cái khó không chỉ ở phía SV, nhà trường cũng “đau đầu” với vấn đề này. ThS. Lê Thị Thanh Hương (Giám đốc Trung tâm Công nghệ hóa của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) chia sẻ: “Theo nguyên tắc, SV trong quá trình thực hành mà thiếu tập trung hoặc không cẩn thận làm đổ bể dụng cụ thì phải đền. Tuy nhiên, một số trường hợp khách quan bị hư hại do dụng cụ đã cũ, mòn… nhà trường sẽ tiến hành thanh lý mà không quy trách nhiệm cho người sử dụng”. Cũng theo ThS. Hương, do ngân sách có hạn, nếu hư hỏng dụng cụ mà không bồi thường dẫn đến thiếu nguồn thay thế thì những SV khóa kế tiếp sẽ không có điều kiện thực hành. ThS. Hương đơn cử, phòng thí nghiệm chỉ có 5 cái đèn mà ngay trong 2 tuần liên tiếp đã bị rơi và gây cháy mất 2 cái. Trong khi đó, tần suất SV thực hành tại đây rất lớn, tập trung cả 3 hệ ĐH-CĐ và TC.
Hiện nhiều trường ĐH, CĐ đầu tư kinh phí lớn mua những trang thiết bị hiện đại để đảm bảo phục vụ cho việc đào tạo các ngành mũi nhọn. Chẳng hạn, ngân sách đầu tư cho riêng ngành hóa của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2009 lên đến 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà trường khi giao những dụng cụ đắt tiền cho SV thực tập không tránh khỏi lo lắng mà SV khi trực tiếp làm việc với các thiết bị đó cũng thấy… bất an. Nhiều giáo viên do… áp lực nên bên cạnh việc nhắc nhở, dặn dò SV cẩn thận đôi khi cũng “bỏ nhỏ” thêm chuyện dụng cụ có giá rất đắt để SV không lơ là. Biết được giá trị “khổng lồ” của trang thiết bị, SV hẳn sẽ có ý thức giữ gìn, bảo quản cẩn trọng hơn nhưng cũng khiến các em… thêm căng thẳng. Nên chăng, các trường cần có những giải pháp căn cơ để giảm “lo âu” cho SV?
Bài, ảnh: M.T

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)