Sinh viên chia sẻ phương pháp học đại học hiệu quả tại cuộc thi
|
Với sinh viên (SV) hiện nay, học tập hiệu quả không có nghĩa là “ngồi lì” ở thư viện hay giảng đường từ ngày này qua ngày khác mà việc biết kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, hoạt động Đoàn hội… mới là sự lựa chọn số 1.
Xác định rõ mục tiêu
Tại cuộc thi “Phương pháp học đại học (ĐH) hiệu quả” lần 3 do Nhà Văn hóa SV TP.HCM tổ chức vừa qua, nhiều SV đánh giá rất cao phương pháp học nhóm và cho rằng việc kết hợp học nhóm với những phương pháp khác giúp các bạn dễ nắm bắt kiến thức hơn. Các bạn SV quan niệm, ngay khi đã học thuộc dạng SV “siêu sao” của trường/ khoa, thì việc học nhóm cũng là không thừa đối với họ. Bởi khi học nhóm, các bạn sẽ phát hiện được những mặt mạnh cũng như những mặt còn thiếu sót của chính mình để khắc phục; được bổ sung kiến thức quý giá từ bạn bè và còn… giúp các bạn đỡ căng thẳng, nhàm chán. Tuy nhiên, việc học nhóm cũng có những trở ngại nhất định khi các bạn SV theo học những ngành, trường khác nhau. Bạn Nguyễn Thị Thanh Huyền (SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) nêu kinh nghiệm: “Với những nhóm đặc thù như vậy thì cách tốt nhất là không nên tập trung chuyên sâu vào một chuyên ngành nào mà thay vào đó là chọn lựa được phương pháp thích hợp có thể áp dụng chung cho nhiều chuyên ngành để đem lại hiệu quả”. Việc phát triển ý tưởng của cá nhân trong quá trình học nhóm cũng được các bạn SV đặc biệt nhấn mạnh. Bạn Minh Đức (SV Trường ĐH Y dược TP.HCM) bày tỏ quan điểm, nếu cá nhân quá lệ thuộc vào sức mạnh của nhóm thì các bạn sẽ thiếu sự chủ động, không tìm thấy được lợi ích thiết thực của phương pháp học mà họ đang lựa chọn. Cũng như các bạn sẽ không phát huy được tính sáng tạo, không thể hiện được “cái riêng” của họ trong quá trình tham gia học tập.
Thực tế cho thấy, hiện nay có một bộ phận SV chưa có được kết quả học tập tốt, mà một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc chưa xác định được mục tiêu học tập. Thiếu mục tiêu, thiếu định hướng khiến không ít bạn khi đã vào giai đoạn chuyên ngành vẫn cứ loay hoay dẫn đến giảm hứng thú học tập và kết quả cuối cùng là không như mong đợi. Trưởng nhóm Komodo (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) chia sẻ: “Điểm số rất quan trọng vì nó đánh giá khả năng học tập của người học. Việc đạt điểm số thấp trong khi mình đã có sự đầu tư cho môn học là điều không phải dễ chấp nhận. Tuy nhiên, bên cạnh việc phân tích nguyên nhân, xem lại những hạn chế còn mắc phải của mình để khắc phục thì một khâu không kém quan trọng chính là SV phải biết xác định tư tưởng học không chỉ vì điểm mà còn cho tích lũy kiến thức phục vụ công việc chuyên môn sau này”.
Học nhóm online: mọi lúc mọi nơi!
Không gian học tập của các bạn trẻ thời nay được nới rộng ra rất nhiều, có thể là giảng đường, thư viện, công viên hay cả trên… xe buýt. Đặc biệt, với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nhiều bạn trẻ rất chuộng cách học nhóm “trực tuyến” vì không mất thời gian đi lại nhiều mà lại có thể học được mọi lúc mọi nơi. Đại diện nhóm SV Trường ĐH Mở TP.HCM đánh giá: “Vào thời điểm thi học kỳ, với khối lượng bài vở rất lớn nhiều khi khoảng thời gian học trên trường, gặp nhóm học tập là không đủ nên tụi em phải tranh thủ online trao đổi thêm. Có khi 23 giờ vẫn còn có thể chia sẻ kiến thức, bàn cách giải bài tập…”. Hiện nhóm online là sự lựa chọn của rất nhiều SV bên cạnh việc tự tích lũy kiến thức và học nhóm truyền thống.
Vấn đề ứng dụng kiến thức vào thực tế thông qua các hoạt động Đoàn hội, làm thêm… cũng được các bạn trẻ đánh giá cao. Theo suy nghĩ của các bạn SV, việc đạt thành tích học tập tốt với điểm số cao là nguyện vọng chính đáng nhưng kiến thức phục vụ cho công việc lâu dài sau này còn quan trọng hơn. “Nếu chỉ chăm chăm vào việc học để đạt điểm số cao nhưng sau này ra trường lại không đáp ứng được công việc, khiến nhà tuyển dụng phải đào tạo lại thì rất mất thời gian”- thành viên của đội KNGT (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) bày tỏ.
Giảng viên Trương Thanh Nhã (Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn TP.HCM) nhận định: “Những kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho công việc không chỉ đến từ các môn học cụ thể mà còn hình thành thông qua các hoạt động ngoài giờ như hoạt động Đoàn hội, các CLB học thuật, nghiên cứu khoa học hay công việc làm thêm bán thời gian. Một số khảo sát cũng cho thấy, những SV tham gia ban chủ nhiệm các CLB, ban chấp hành Đoàn hội, làm nghiên cứu khoa học thường xuyên hay có quá trình làm thêm lâu dài thường có khuynh hướng tìm việc dễ dàng hơn những nhóm SV khác…”.
M.Tâm
“Cây cao nhờ có rễ đâm sâu. Học tập cũng vậy, phải kiên trì qua một quá trình rất lâu dài. Không có phương pháp học nào là “chuẩn” hay tuyệt đối, điều quan trọng là SV biết lựa chọn phương pháp học tập phù hợp, kết hợp sử dụng nhiều phương pháp để tạo ra hiệu quả” – bạn Nguyễn Thị Thanh Huyền (SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) khẳng định.
|
Bình luận (0)