Tuyển dụng kỹ sư thực hành tại “Bệnh viện máy tính Icare”. |
Chưa bao giờ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội được Chính phủ và Bộ Giáo dục – Đào tạo quan tâm chỉ đạo, nhà trường và các đối tác thực hiện bài bản có hiệu quả như thời gian qua. Nguồn nhân lực được đào tạo đã bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Các nhà trường không còn đào tạo những gì mình có mà đã đào tạo cái mà xã hội cần. Đối tác sử dụng lao động cũng đã thực tế hơn trong việc chủ động đặt hàng các nhà trường.
Nỗ lực lớn từ các bộ, ngành
Ngày 19/2/2009 trong lễ ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã thẳng thắn đề cập những khó khăn trong việc xây dựng chiến lược con người và đặt vấn đề với ĐHQG Hà Nội trong việc giúp đào tạo nhân lực. Về phía Bộ Tài nguyên & Môi trường sẵn sàng tham gia cấp học bổng, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tài trợ giải thưởng, đưa dự án nước ngoài để ĐHQG Hà Nội thực hiện…. tất cả không ngoài mục đích ĐHQG Hà Nội sẽ đào tạo và cung ứng nhân lực cho Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Tài nguyên & Môi trường cam kết sẽ có trách nhiệm sử dụng nguồn nhân lực đó.
Thoả thuận trên là một trong nhiều thoả thuận đã được ký kết giữa các bộ, ngành, điều này thể hiện nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế quốc dân là vô cùng lớn. Thấy rõ được yêu cầu cấp thiết của việc điều phối nguồn nhân lực, giữa đào tạo và sử dụng nên Chính phủ đã chỉ đạo thành lập 2 Trung tâm dự báo quốc gia nhu cầu nhân lực; 2 Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực tại Hà Nội và Tp.HCM, triển khai dự báo nhu cầu nhân lực, cung cấp thông tin dự báo về cung cầu, điều phối đào tạo, sử dụng nhân lực, thị trường lao động. Rõ ràng những chỉ đạo mạnh từ phía Chính phủ năm qua về đào tạo theo nhu cầu xã hội đã thúc đẩy các bộ, ban, ngành và các trường ĐH, CĐ có những bước tiến xa hơn để tìm kiếm sự hợp tác về nhiều phương diện với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhà trường & doanh nghiệp
Có cung phải có cầu, và cầu phải đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ. Để đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và cũng để tiếp sức cho các nhà trường, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các trường ký kết các văn bản thoả thuận trực tiếp với các doanh nghiệp để hỗ trợ đào tạo, tạo cơ sở thực tập cho SV, tiếp nhận SV khi ra trường. Công ty Intel Product đã tiến hành khảo sát đánh giá chương trình đào tạo, năng lực đào tạo: về đội ngũ giảng viên, tài liệu giảng dạy, phòng thí nghiệm; gặp gỡ và phỏng vấn SV các ngành điện – điện tử, CNTT và truyền thông, kỹ thuật và công nghệ cơ khí của 5 trường: Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM, Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp. HCM và đã tiến hành những bước hợp tác sâu hơn như ký hợp đồng với Đại học Đà Nẵng nêu nhu cầu đào tạo, đặt hàng đào tạo, hỗ trợ kinh phí để xây dựng và củng cố các PTN.
Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM đã phối hợp đào tạo cung ứng nhân lực cho 19 tổng công ty, 28 công ty và 7 tỉnh lân cận. Đại học Mở Tp.HCM đã phối hợp đào tạo 166 cử nhân ngành QTKD quốc tế cho Khu KT Dung Quất; 72 sinh viên ngành kế toán và xây dựng cho UBND huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà. Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG-HCM) đã tiến hành ký kết với Microsoft để cùng đào tạo nhân lực.
Nói về việc này, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh – Trưởng Ban Công tác HSSV (ĐHQG Hà Nội) khẳng định: Giờ đây cả doanh nghiệp và nhà trường cùng nhận thấy cần có nhau. Hợp tác đào tạo, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp vừa đáp ứng đúng đòi hỏi nhu cầu của doanh nghiệp và ngược lại cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo thêm nhiều hơn cơ hội việc làm cho SV. Đến nay chúng tôi đã ký thoả ước với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia…. cung ứng nhân lực chất lượng cao. Quan điểm chỉ đạo của ĐHQG Hà Nội đối với các trường thành viên là tăng cường, thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Thời gian qua các quan hệ hợp tác với những doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Miaro Assets (Hàn Quốc); Tập đoàn Nomura (Hồng Công), Nomura đã cử các chuyên gia sang đưa những kiến thức thực tiễn cùng giảng dạy xen kẽ với chương trình đào tạo của trường đã đem lại hiệu quả thiết thực. Còn với các doanh nghiệp trong nước là tập đoàn Gami, công ty chứng khoán Sài Gòn, ngân hàng An Bình, Đại Dương… những mối quan hệ này sẽ giúp nhà trường định hướng tốt hơn trong đào tạo các ngành Tài chính – Ngân hàng.
Có thể nói việc triển khai mạnh mẽ, cụ thể và đa dạng trong việc hợp tác giữa trường với doanh nghiệp thời gian qua là một dấu hiệu đáng mừng. Những con số và sự kiện trên cho thấy: Đã có lời giải cho đào tạo và sử dụng nhân lực, giờ đây doanh nghiệp đã chủ động tìm đến các nhà trường để hỗ trợ đào tạo, đặt hàng cho nhu cầu lao động của mình. Lại sắp tới mùa tốt nghiệp của SV, các nhà trường đang khẳng định chất lượng đào tạo ngày một được nâng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, còn các nhà tuyển dụng cũng không còn phải cảnh “mỏi mắt” tìm nguồn để tuyển.
Bạch Ngọc Dư (GD&TĐ)
Bình luận (0)