Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sinh viên thời bão giá

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học này, ngoài việc học phí tăng, sinh viên (SV) sẽ phải gồng mình lên để chi trả thêm nhiều khoản sinh hoạt phí khác cũng đang theo đà “phi mã”.

Giá điện, nước, giá nhà, giá dịch vụ ăn uống… đang rủ nhau cùng tăng khiến SV, nhất là SV tỉnh lẻ sẽ phải khốn đốn xoay xở để nuôi giấc mơ giảng đường.

Thắt lưng buộc bụng

Nguyễn Hồng Thắm hiện đang là SV năm 3 ĐH Giao thông vận tải Hà Nội. Nhà nghèo, sáng đi học, tối và chiều Thắm đi chạy bàn cho một quán cà phê ở phường Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy). Mỗi tháng, số tiền làm thêm 2 triệu đồng, Thắm phải vất vả lắm mới cân đối đủ chi tiêu. Tuy nhiên, bước sang tháng 10 này bà chủ nhà đã gióng trước, tiền nhà sẽ tăng lên 1,5 triệu đồng, còn tiền nước sẽ tính theo giá mới. “Ở ký túc thì không đi làm thêm buổi tối được. Còn ở trọ thì chi phí rất đắt đỏ, tiền nước trước cứ 150 ngàn đồng/tháng/2 đứa. Tiền điện thì 200 ngàn đồng, rồi còn tiền rác, tiền ăn uống… Bữa ăn thường chỉ có đậu và trứng, giờ mà tăng lên thì chắc chỉ ăn mì tôm” – Thắm thở dài chia sẻ.

Vấn đề thắt lưng buộc bụng được giới SV chia sẻ rất sôi nổi. Nhiều bạn tếu táo rằng, nên đi vệ sinh và rửa mặt ở trường để tiết kiệm nước khi về nhà, hay rửa rau, vo gạo nên gộp vào làm một rồi lấy luôn nước đó để rửa bát. Cao kiến khác thì cho rằng nên hạn chế tắm và giặt, vì rất tốn nước…

Vừa chân ướt chân ráo bước chân lên Hà Nội trọ học, Hà Yến, tân SV ĐH Điện lực đã chọn cách chạy show làm thêm để chi trả các khoản sinh hoạt phí. “Nhà mình ở Thanh Hóa, bố mẹ chỉ làm nông mà còn 2 đứa em đang tuổi ăn học nữa nên mình phải đi làm thêm để lo cho việc học của mình. Bố mẹ chỉ giúp đỡ phần nào được thôi. Mình và hai người bạn nữa cùng trọ một phòng để tiết kiệm chi phí. Tiền học sang kỳ 2 cũng sẽ tăng rồi. Mình học buổi chiều nên sáng mình phục vụ ở quán cà phê còn tối thì đi gia sư” – Yến chia sẻ.

Trăm dâu đổ “đầu SV”

Từ 1-10, giá nước ở Hà Nội tăng thêm 19%, tức là giá nước sinh hoạt sẽ tăng thêm từ 950-2.500 đồng/m3. Tuy nhiên, đối với các hộ cho thuê nhà thì giá nước lại được tính theo giá nước kinh doanh, tức là sẽ tăng từ 18.342 đồng/m3 lên 25.372 đồng/m3.

Bác Trần Thùy Minh là người có nhà cho SV thuê tại Q.Từ Liêm cho biết: “Công ty nước yêu cầu khu trọ SV nhà tôi phải tính theo giá kinh doanh. Nhà tôi thì chẳng mất mát gì, chỉ khổ các em SV bị áp giá này. Nhiều khi thu tiền nước, có những em nghèo nghĩ mà thương…”.

Bạn Hoàng Duy Lực, SV ĐH Ngoại thương thắc mắc: “SV đi thuê trọ mà phải chịu giá nước kinh doanh thì nghĩ có ngược đời không. Đã phải chịu đủ thứ chi phí đổ lên đầu, nào tiền nhà đầu năm học cũng tăng, nào tiền học phí cũng tăng, nào tiền điện cứ dăm tháng lại tăng… Thì thử hỏi SV nghèo chịu sao được?”.

Bên cạnh đó, việc đường ống nước Sông Đà liên tục vỡ (15 lần tính đến thời điểm này) dẫn đến tình trạng mất nước thường xuyên xảy ra trên địa bàn nhiều quận ở Hà Nội khiến cuộc sống của người dân, SV bị ảnh hưởng. Rất nhiều bạn SV đặt ra câu hỏi rằng, việc tăng giá nước liệu chất lượng phục vụ có được tốt lên, liệu đường ống nước có còn bị vỡ?

Trước thắc mắc tại sao SV lại bị áp giá của hộ kinh doanh, đại diện Công ty nước sạch Hà Nội lý giải: “SV đi thuê trọ nhưng đồng nghĩa với việc các chủ nhà cho thuê nhà trọ kinh doanh. Vì thế nếu tính theo giá nước sinh hoạt thì bên công ty nước sẽ bị lỗ”.

Yến Hoa

Bình luận (0)