Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi bị “hắt hủi” tại quê nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân HN, nghe tin Nghệ An rải “thảm đỏ” thu hút nhân tài, Phan Thị Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) quay về quê xin việc. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, cô không nghĩ mình lại bị hắt hủi, bơ vơ tại chính quê hương. 

"Lúc đi học, đã nghe mấy anh chị bảo quê hương rải “thảm đỏ” đón sinh viên giỏi về làm việc nhưng còn nhiều bất cập lắm. Nhưng em nghĩ thời gian sẽ khiến cho mọi cơ chế thông thoáng hơn. Ai dè…"

Ngày 09/4/2007, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 30/2007/QĐ-UBND (Thay thế quyết định 30 năm 2001) về một số chế độ, chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2007-2010. Đối tượng thu hút là giáo sư, phó giáo sư… sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi…

Nếu các đối tượng trên tự nguyện và có cam kết công tác tại Nghệ An 3 năm trở lên sẽ được bố trí, sử dụng đúng chuyên môn, khả năng nghề nghiệp; được các cơ quan đơn vị tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để phát huy trình độ…
… Sẽ được ngân sách tỉnh trợ cấp một khoản ban đầu như: Giáo sư 40 triệu đồng, phó giáo sư, người có học vị tiến sỹ 30 triệu đồng; thạc sỹ 20 triệu đồng; sinh viên tốt nghiệp loại giỏi 15 triệu đồng…

Cuộc phiêu lưu của… bằng giỏi!

Lan sinh ra ở vùng biển Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ngay từ năm học cấp 3 ở Trường THPT Hoàng Mai, cô luôn là học sinh xuất sắc. Cuối năm lớp 12, Lan vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lúc bấy giờ, cả huyện Quỳnh Lưu chỉ có duy nhất Lan là học sinh có được vinh dự cao quý ấy.
Và năm 2004, Lan đậu vào ngành Quản trị kinh doanh -Trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Đối với người dân nơi cô sinh, đó là kỳ tích. Ngày cô lên đường, mọi người chen chúc ra tiễn với bao kỳ vọng.
Cuối năm 2009, Lan tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại giỏi. Như đã hứa, Lan đã “khăn gói quả mướp” trở về TP Vinh, Nghệ An nộp hồ sơ xin việc. Nhưng cô không thể ngờ rằng chặng đường trước mắt lại đầy ải gian truân đến thế…
Nghe bạn bè bảo sắp tới, tỉnh Nghệ An thi tuyển công chức. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh có nhu cầu nhận một “suất”. Biết ngành mình học phù hợp nên tháng 1/2009, cô đã nộp hồ sơ cho Sở Nội vụ để được thi tuyển.
“Nhưng được ít hôm thì em nhận được thông tin là Sở Thông tin và Truyền thông không nhận nữa. Lãnh đạo Sở Nội vụ đã giới thiệu em sang nộp hồ sơ cho văn phòng UBND tỉnh Nghệ An…”, Lan kể.
Tưởng mọi chuyện đã “an bài”, Lan mừng rỡ đưa hồ sơ sang cơ quan này nộp. Nhưng được ít hôm lại nhận được câu trả lời: “Không có nhu cầu tuyển dụng”. Và hồ sơ của Lan cùng với tấm bằng Đại học loại giỏi lại được tiếp tục “đá” sang Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An.
Bấy giờ Lan lại đem hồ sơ sang Trung tâm để xin việc. “Tại đây, họ bảo nếu phía Sở Nội vụ giới thiệu thì nhận. Nhưng phía Trung tâm bắt phải thi công chức… Nhưng thời điểm này, đợt thi công chức đã diễn ra trước đó mấy ngày… (Khoảng giữa tháng 3/2009-PV)”.
Đầu tháng 5/2009, tia hi vọng lại nhen nhóm đối với Lan. UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định đồng ý cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư nhận một “suất” theo diện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Quy định là tốt nghiệp hệ chính quy loại giỏi, chuyên ngành đào tạo quản trị kinh doanh.

Dù có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, với sự hào hứng của tuổi trẻ, Lan muốn về quê kiếm việc làm, nhưng rốt cuộc cô cử nhân này vẫn… thất nghiệp

Lan sung sướng hơn bao giờ hết, đem hồ sơ sang Trung tâm nộp. Lãnh đạo nơi đây đã “gật đầu” cho biết sẽ hoàn tất thủ tục tiếp nhận rồi thông báo cho cô. Lan nhớ đó là một buổi chiều mưa mùa hạ. Cô đã lao xe máy như bay gần 70 cây số để về quê báo với mẹ: "Con đã có việc." Đêm đó, hai mẹ con đã không ngủ được! 
Rải “thảm đỏ”… lót gai?
Đầu tháng 6/2009, Lan điếng người khi nghe phía Trung tâm Xúc tiến Đầu tư từ chối nhận cô vào làm việc. Sau hôm đó, nỗi sợ phải về với mẹ trong cảnh không có việc luôn tiềm ẩn trong cô. Lan đã phải ở trọ cùng với một cô bạn ở TP Vinh để trốn ánh mắt của mẹ.
Nhắc đến mẹ, đôi mắt Lan ứa lệ. Nhưng Lan không khóc. “Mẹ vẫn cứ tưởng em đã có việc làm rồi. Mỗi lần về đối diện với mẹ, em lại sợ mẹ buồn. Đời mẹ đã khổ lắm rồi”, lời nói của Lan như xé lòng.
Lan bảo: “Em không ngờ mình lại thất nghiệp. Lúc đi học, đã nghe mấy anh chị bảo Nghệ An rải “thảm đỏ” đón sinh viên giỏi về làm việc nhưng còn nhiều bất cập lắm. Nhưng em nghĩ thời gian sẽ khiến cho mọi cơ chế thông thoáng hơn. Nhưng ai dè…”, nói đoạn Lan im lặng.
Khi chúng tôi đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hùng – Trưởng phòng công chức-viên chức-Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An đã khẳng định: "Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi hệ chính quy là ngon lành cả. Nhất là đối với những ngành mà tỉnh cần thì phải giải quyết cho họ theo chính sách thu hút của UBND tỉnh Nghệ An. Tôi nghĩ đối với những đối tượng này thì cần phải đưa họ về để bố trí. Vì họ giỏi thực sự…Về cơ bản, Sở KH&ĐT phải nhận hồ sơ và sắp xếp hỗ trợ Lan theo đúng chế độ thu hút của tỉnh Nghệ An.
Việc này (Việc không tiếp nhận Lan – PV) là hoàn toàn không đúng vì trước đó Sở kế hoạch và Đầu tư đã có yêu cầu, văn bản nhận người có chuyên môn như Lan. Và tỉnh đã ra quyết định đồng ý. Sở Nội vụ yêu cầu Sở này phải thực hiện theo quy định của tỉnh”.
Dù vậy cho đến nay, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi muốn về công tác tại quê nhà vẫn đang thất nghiệp.
Đá bóng trách nhiệm
 Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư Nghệ An “biện minh” bằng cách không hề có nhu cầu nhận ngành “quản trị kinh doanh”. Trong khi trước đó, chính Sở này đã có công văn được tiếp nhận cựu sinh viên Phan Thị Cảnh (Tên thật của Lan), tốt nghiệp loại giỏi ngành này.
Ông Nguyễn Trọng Hùng – Trưởng phòng công chức – viên chức – Sở nội vụ tỉnh Nghệ An cho rằng đây là sự “trở chứng” của Sở KH&ĐT. 
Ông Hoàng Hiếu – Phó giám đốc Sở KH&ĐT từ chối trả lời vì cho rằng mình không phụ trách. Ông Hiếu “đá bóng” sang chánh văn phòng Sở. 
Thế nhưng, ông Nhàn – Chánh văn phòng Sở KH&ĐT nói: “Tôi chỉ biết cô Cảnh chưa được tiếp nhận là ý kiến của anh Độ (Tức giám đốc Sở KH&ĐT- PV). Anh Độ có nói chuyên ngành của cô ấy không nằm trong các chức danh mà Sở đề nghị với tỉnh. Trong 7 chức danh mà Sở đề nghị với tỉnh được bổ sung biên chế thì không có ngành quản trị kinh doanh”.
Ông Nhàn bảo mình mới “nhận chức” nên sự việc không được rõ lắm. “Cái này nên nắm bên Trung tâm xúc tiến và đầu tư thì rõ hơn cả.”.
Thạc sỹ Hồ Viết Dũng – Giám đốc Trung tâm tiếp tục đẩy đi "quả bóng" trách nhiệm: “Tôi mới tiếp nhận chức giám đốc được mươi ngày nên cũng không nắm hết sự việc. Anh có thể gặp ông An (tức giám đốc cũ sẽ rõ -PV). Rõ ràng đây chỉ là sự “lắt léo” của Sở KH&ĐT Nghệ An.  

Ảnh chụp công văn số 563/SKH.VP

Công văn số 563/SKH.VP về việc bổ sung biên chế và nhu cầu tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp loại giỏi theo QĐ 30 của UBND tỉnh Nghệ An, do ông Nguyễn Văn Chất – nguyên giám đốc Sở KH&ĐT ký ngày 07/4/2009 ghi rõ: “Đề nghị Sở nội vụ tỉnh Nghệ An cho bổ sung thêm 1 biên chế và tiếp nhận 1 đối tượng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cho Trung tâm xúc tiến đầu tư Nghệ An".
Và có danh sách kèm theo là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành quản trị kinh doanh – ĐH Kinh tế quốc dân hệ chính quy. Vậy không thể nói Sở KH&ĐT không có nhu cầu.
Ông Đinh Xuân Lâm – Chánh văn phòng – Người phát ngôn của Sở nội vụ Nghệ An khẳng định: “Quan điểm chung về chính sách, chủ trương của tỉnh thì Sở KH&ĐT phải nhận trường hợp sinh viên Cảnh. Chủ trương đã ra là phải chấp hành. Việc nhận Cảnh không ảnh hưởng gì đến biên chế của Sở KH&ĐT cả
Theo Trọng Đức
Bee.net

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)