Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên trở lại Sài Gòn bằng “ngựa sắt”

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm, nhiều sinh viên tự “cưỡi” xe máy vào Sài Gòn, vừa tiết kiệm chi phí, giải tỏa áp lực tàu xe vừa được trải nghiệm cảm giác “phượt” thú vị…

Thay vì chen chúc mua vé, khó nhọc kiếm chỗ trên xe đò thì sau Tết, nhiều bạn trẻ đã tự “cưỡi” xe máy vào thẳng Sài Gòn. So với những kiểu di chuyển khác, việc làm “tài xế” đường trường có phần nguy hiểm nhưng nếu cẩn trọng, nó cũng giúp tiết kiệm và cho bạn trẻ trải nghiệm cảm giác… mạnh!
Những ngày gần đây, từng đoàn xe sinh viên nối đuôi nhau vượt hàng trăm cây số theo hướng TP.HCM, bỏ qua nhọc mệt, tiếng cười vang rộn khắp đoạn đường!
“Tài xế” đường trường
Đoạn đường từ Đắk Lắk vào TP.HCM khoảng trên dưới 400 cây số. Trung bình đi bằng xe khách, mất khoảng 8 tiếng đồng hồ sinh viên có thể đáp bến. Quãng đường này lại là thử thách lớn đối với những sinh viên hay bị say xe, ngửi mùi xăng là nôn ói. Do đó, giải pháp tự chạy xe máy là lựa chọn thay thế của không ít bạn trẻ. Nguyễn Kim Dung (sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) giải thích: “Vào trước hoặc sau Tết hay những đợt cao điểm, đặt được vé xe chặng TP.HCM – Đắk Lắk và ngược lại là vô cùng gian nan. Chưa nói, giá vé tăng cao hơn ngày thường. Nhiều chủ xe còn tranh thủ bắt khách lẻ, nhồi nhét thêm khiến chỗ ngồi chật chội, ồn ào, mất an ninh”. Suốt 4 năm ĐH, Kim Dung chỉ đi xe khách được 2 lần, còn lại “trường kỳ” với xe máy. Khi thì đi với em gái, bạn bè, có lúc tự chạy xe một mình. Kim Dung so sánh, thời gian đi xe máy thường nhiều hơn xe khách 1 đến 2 giờ. Bù lại, những lúc mệt, “tài xế” có thể dừng nghỉ giữa chặng, ngắm cảnh hoặc chụp ảnh kỷ niệm.
Tương tự, sinh viên Phạm Thị Kim Anh (ngành quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cũng có “thâm niên” chạy xe máy đoạn đường TP.HCM – Đà Lạt và ngược lại vào mỗi dịp Tết. Kim Anh cho biết đoạn đường từ TP.HCM về nhà khoảng 200 cây số nhưng hễ lần nào em leo lên xe đò đều nôn ói từ đầu đến cuối. Mỗi lần dự định về quê hay từ quê vào, chỉ cần nghĩ đến cảnh xe cộ chen chúc là đã thấy ngán. Do đó, em đành phải “tự thân vận động” bằng cách tự cầm lái. Với sức của con gái, phải dừng nghỉ giữa chặng nhiều để lấy sức và quan sát, em mất khoảng 5 đến 6 giờ mới hoàn thành đoạn đường. Kim Anh còn cho rằng, bên cạnh việc tránh say xe thì tự cầm lái còn giúp giảm thiểu chi phí đáng kể.
Lê Minh Tuấn (sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM) cũng cho biết, so với giá vé xe giường nằm 450 ngàn đồng cho chuyến từ Đắk Lắk vào TP.HCM tại thời điểm mùng 7 Tết thì việc đi xe máy chỉ mất chưa đến phân nửa chi phí. Nếu có bạn đi cùng, chi phí ăn uống, xăng cộ chia đôi, sẽ càng tiết kiệm.
“Phượt” với cảm giác mạnh
Đối với những sinh viên năm nhất, năm hai mới có bằng lái thì việc chạy xe đường trường cũng chính là thử thách lòng dũng cảm. Kim Anh nhớ lại, lần đầu tiên chạy xe vào TP.HCM, vừa run vừa sợ, em không dám nghỉ giữa đường vì lo khi đã dừng rồi không còn đủ can đảm chạy tiếp. Lần đó, em chạy thẳng một mạch vào tới thành phố, những cảnh đẹp nhìn thấy lúc trên đèo em đều tiếc nuối bỏ qua. Năm nay, vì đã có “kinh nghiệm” và sẵn sàng tinh thần nên mỗi cảnh đẹp bắt gặp bên đường em đều dừng lại, thu hết vào máy ảnh giữ làm kỷ niệm. Em thấy thú vị khi tự bản thân mình vượt được chặng dài hàng trăm cây số đèo dốc gập ghềnh, điều mà trước đây em luôn nghĩ chỉ dành cho các đấng nam nhi trai tráng.
Lê Minh Tuấn cũng chia sẻ: “Đối với những ai lần đầu tiên cầm lái đường trường, việc xác định phương hướng để khỏi đi lạc là điều khó khăn nhất. Tốt nhất, mình nên bám đuôi những đoàn xe đi trước và liên tục hỏi đường người dân địa phương. Cũng may là mỗi dịp lễ tết, “bạn đồng hành” trên đường cũng rất đông nên đoạn đường khó bỗng trở nên dễ, xa cũng hóa gần”.
“Sợ nhất là những lúc xe hư tại những đoạn đường vắng. Có một lần hồi học năm nhất, hai anh em chở nhau trên chiếc xe cà tàng. Đi đến đèo Bảo Lộc thì xe bị nóng nên tắt máy. Hai anh em phải lọ mọ tìm túi nilon ven đường rồi bò lên mấy khe suối nhỏ để lấy nước về dội xe cho mát máy mới có thể chạy tiếp” – Kim Anh kể.
Trương Tấn Bình (sinh viên năm ba ngành tài chính – ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) đề cập đến khó khăn: “Để tránh nắng, tụi em thường xuất phát sớm, có khi 3 giờ sáng đã nổ máy bắt đầu “Sài Gòn thẳng tiến” rồi. Đi vào những thời điểm còn tối trời như vậy, rất sợ bị các xe lớn phóng nhanh, vượt ẩu mà ép mình rớt lề. Có lúc đi giữa đường, bắt gặp tai nạn xe máy cũng khiến em hết sức… ám ảnh, phải đi chậm lại, trấn tĩnh mình”… Cũng theo Bình, để đảm bảo an toàn, các sinh viên nên luân phiên “đổi tài”, những lúc buồn ngủ thì cần dừng lại hàng quán bên đường để nghỉ ngơi cho lại sức rồi tiếp tục hành trình, tránh để xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Kim Dung bộc bạch: “Nhờ đi xe nhiều mà em quen được thêm nhiều bạn mới, giữ liên lạc khi vào thành phố và còn hẹn nhau Tết năm sau cùng “phượt” tiếp”. Tuy nhiên, để “phượt” an toàn, trước giờ lên đường, các “tài xế” cần kiểm tra dầu nhớt, sửa sang xe máy. Bản thân Dung có lần đã phải dắt bộ xe gần 3 cây số mới kiếm được chỗ sửa do “ngựa sắt” gặp sự cố giữa đường. Lần đó, Dung còn bị chủ tiệm “chặt chém”, sửa xe với giá “cắt cổ” nữa…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)