Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sinh viên trở lại trường, cần thực hiện những điều này

Tạp Chí Giáo Dục

Năm mới, học kỳ mới, khi sinh viên bắt đầu trở lại trường học sau thời gian ở nhà học trực tuyến, là thời điểm nhiều người trẻ lập kế hoạch và đưa ra mục tiêu cho học tập, làm việc.

Tạo thói quen lập kế hoạch

Từng là một người không biết sắp xếp thời gian và hay bê trễ trong mọi việc, Nguyễn Thị Hiền Thảo, sinh viên Trường đại học Foscari Ca’ Venezia (Ý), nhận ra cần phải sống khác đi kể từ khi du học. Cô bắt đầu tạo thói quen lập kế hoạch vào mỗi tối, dành thời gian sắp xếp mọi thứ cho ngày tiếp theo. Kể từ đó, Thảo tiết kiệm nhiều thời gian, làm được nhiều điều hơn.

Thạc sĩ tâm lý Thái Đình Lãm, chuyên giảng dạy kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh – sinh viên, cho rằng lập kế hoạch trong giai đoạn này là điều các bạn sinh viên hay bất cứ ai cũng nên làm.

“Việc này giúp đưa ra được hướng đi cụ thể, tránh làm theo quán tính. Việc lập kế hoạch cũng giúp xác định tính khả thi của công việc, đưa ra những phương án đối phó phù hợp khi gặp rủi ro, giúp dễ dàng tiếp tục vận hành công việc khi có sự cố xảy đến và đạt được mục tiêu nhanh nhất có thể”, anh Lãm cho biết.

Sinh viên trở lại trường, cần thực hiện những điều này  - ảnh 1

Thạc sĩ tâm lý Thái Đình Lãm (trái) trong một chương trình giao lưu với học sinh. NVCC

Trần Đức Thắng, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương, chủ nhân kênh TikTok @trndcthg (Chồn) chuyên chia sẻ nội dung về học tập, cho biết anh đã giữ thói quen lập kế hoạch cá nhân từ lúc học THCS cho đến nay. Thắng thường lập kế hoạch vào mỗi đầu tháng và cuối tháng.

Sinh viên trở lại trường, cần thực hiện những điều này  - ảnh 2

Trần Đức Thắng. NVCC

“Việc lập kế hoạch giúp lối sống của chúng ta, đặc biệt là những bạn trẻ giữa guồng quay bận rộn của công việc sẽ được “tổ chức” hơn. Cuộc sống của mỗi bạn trẻ như một chồng sách với nhiều thể loại khác nhau: đi làm, đi học, đi chơi, đi ăn… Việc sắp xếp các loại sách sao cho khoa học và ngăn nắp trên “chồng sách” là một điều nên làm để bản thân không bị mất quá nhiều thời gian vào một việc nào đó”, Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, Thắng cũng thừa nhận rằng việc lập kế hoạch dễ khiến ta sống “thô cứng” và những người quá phụ thuộc vào kế hoạch sẽ khó có sự linh hoạt trong cuộc sống.

“Nhiều bạn bè xung quanh hỏi tôi rằng: liệu việc lập kế hoạch học tập, làm việc có cần thiết đến thế? Thực ra, nó phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh; nên việc lập kế hoạch dù rất hiệu quả với người này nhưng đôi khi lại là một sự thừa thãi, máy móc đối với người khác. Nhiều bạn từ bỏ việc lập kế hoạch chỉ sau 2 tuần vì đã quen với lối sống tự do, không sắp xếp trước. Quan trọng là chúng ta chọn lối sống và cách thức nào để bản thân luôn có năng lực và động lực”, Thắng chia sẻ.

Lập kế hoạch thế nào cho hợp lý?

Vũ Ngọc Mai, học viên cao học Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), cho rằng một kế hoạch khả thi, hợp lý với khả năng, tiềm năng của bản thân sẽ giúp các bạn trẻ sắp xếp, quản lý công việc hiệu quả, tránh bỏ sót những việc thiết yếu, không bị đuối sức ở giai đoạn nước rút.

Ngọc Mai khuyên các bạn trẻ nên lập nhiều loại kế hoạch dựa vào thời gian thực hiện (ngắn hạn – trung hạn – dài hạn) để tự tạo động lực tích cực hơn ở mỗi bước.

“Chúng ta nên xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn, hạn chế những mục tiêu bất khả thi để tránh khiến bản thân thấy tiêu cực khi không thể hoàn thành, dẫu vậy những mục tiêu dễ chinh phục quá lại khiến bản thân lơ là và cần cố gắng lập kế hoạch chi tiết nhất có thể”, Ngọc Mai chia sẻ.

Sinh viên trở lại trường, cần thực hiện những điều này  - ảnh 3

Vũ Ngọc Mai cho rằng một kế hoạch khả thi, hợp lý với khả năng, tiềm năng của bản thân sẽ giúp các bạn trẻ sắp xếp, quản lý công việc hiệu quả. NVCC

Cô còn đề xuất tham khảo thêm những nguồn thông tin chất lượng với các từ khóa bằng tiếng Anh “career & education path” (lộ trình giáo dục và sự nghiệp) để tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm liên quan hoặc xin lời khuyên từ các huấn luyện viên, nếu có.

Tuy nhiên, theo Ngọc Mai, không có mẫu số chung cho tất cả và mỗi bạn trẻ hãy cố gắng tự khám phá thêm chính mình để tìm được hành trình và lập kế hoạch phù hợp với bản thân.

Thạc sĩ Thái Đình Lãm cũng khuyên: “Bước đầu tiên khi lập kế hoạch, các bạn phải ý thức được việc lập kế hoạch có tầm quan trọng và cần thiết. Dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc nhất về việc bạn sẽ lên kế hoạch. Nên lập kế hoạch tùy theo năng lực, tránh những mục tiêu xa vời vượt khả năng bản thân. Hãy tham khảo ý kiến của những người đi trước. Cuối cùng, hãy biến việc lập kế hoạch thành một thói quen của bản thân, đừng làm theo sự tùy hứng hay nghe theo người khác”.

Theo Thái Duy/TNO

 

Bình luận (0)