Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Sinh viên trường đỉnh học ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

 Vào được các trường ĐH danh tiếng như Oxford, Cambridge, Cornell… luôn rất khó. Vậy việc học hành ở đó ra sao?

Sinh viên trường đỉnh học ra sao? - Ảnh 1.

Đại biểu từ các trường ĐH Cambridge, Cornell… tại Hội thảo khoa học Heidelberg Laureate Forum – Ảnh: CÔNG NHẬT

Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời thông qua các đại biểu trẻ tham dự Hội thảo khoa học Heidelberg Laureate Forum diễn ra tại Đức vào cuối tháng 9-2017.

Luôn cầu thị, hay thắc mắc

Matthias Joachim Ehrhardt (ĐH Cambridge, Anh, 32 tuổi) hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, lĩnh vực toán học. Nói về chuyện tồn tại được ở môi trường cạnh tranh cao như Cambridge, Matthias chọn cách học nhóm vì đây là phương pháp hiệu quả để nhận được nhiều quan điểm khác nhau cho cùng một vấn đề. 

Ngoài ra, Matthias cũng dành thời gian tham gia hoạt động xã hội, xem như một cách để rèn kỹ năng làm việc nhóm: "Tôi cũng tập tư duy tích cực, coi những người bạn giỏi quanh mình không phải đối tượng cạnh tranh, mà là nơi để mình học hỏi thêm".

Với Sam Gutekunst (25 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Cornell, Hoa Kỳ), để có thể học, "tiêu hóa" lượng kiến thức khổng lồ thì sự sẻ chia tri thức và ham học hỏi vô cùng quan trọng. 

"Suốt thời sinh viên, rất nhiều lần tôi phải vật lộn với các môn học khó xơi. Tôi học đến đâu thì cố gắng thực hành đến đó. Tôi cũng luôn chia sẻ kiến thức thẩm thấu được với bạn bè và nhận ra đây là cách học hiệu quả, hơn là chỉ cố nhét chúng vào bộ não trong ngắn hạn" – Sam nói. 

Ngoài ra, Sam cho biết anh luôn sẵn sàng gõ cửa hỏi bất kỳ ai từ giáo sư đến bạn bè lẫn đàn em về một vấn đề nào đó còn khúc mắc.

Còn phương pháp học của Tushar Agarwal (cao học khoa học máy tính, ĐH Carnegie Mellon, Hoa Kỳ) là luôn tìm đến những vấn đề liên quan đến môn học, dù vấn đề nằm ngoài phạm vi sách vở nhà trường. Điều này – theo bạn – sẽ tạo hứng thú cho người học. 

Không phủ nhận giá trị của người thầy, nhưng Tushar cho biết hiện có rất nhiều khóa học online thú vị, nơi bạn có thể tìm được những kiến thức bổ sung mà chương trình học trên trường chưa cập nhật, hoặc giảng viên không có thời gian giảng giải thêm. 

Tương tự Sam, Tushar cũng không ngần ngại nhờ sự trợ giúp của người khác khi không hiểu bài, hoặc muốn có nhiều hơn một lời giải cho vấn đề nào đó.

"Góc khuất" sau ánh hào quang

Một vấn đề mà truyền thông ít khi đề cập đến là những "giọt nước mắt" phía sau cổng trường đại học danh giá. 

Thông thường, ở các trường nổi tiếng, rất ít trường hợp sinh viên phải bỏ ngang do vấn đề tài chính. Đa phần sinh viên rơi rụng do sức khỏe không thích nghi với áp lực cao trong học tập, hoặc vướng các vấn đề tâm lý…

Grace – một cựu sinh viên Oxford – cho biết bạn từng phải ngưng học một năm để "gap year". "Với người khác, "gap year" là khoảng thời gian đi khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, hoạt động tình nguyện. Còn với tôi, đi là để tìm hiểu chính mình. Hành trình này tưởng rất đơn giản nhưng lại phức tạp hơn hết thảy" – bạn cho biết. 

Sang chấn tâm lý liên quan đến tình cảm cá nhân khiến Grace không thể tập trung học tập, từ đó sức học tụt dốc không phanh, song song đó là chứng biếng ăn, sự tự ti tột độ và chán ghét tiếp xúc với xã hội…

"Việc học ở Oxford hay Cambridge… đều vô cùng căng thẳng. Chỉ cần lơ là học tập trong một ngày cũng đủ khiến mọi thứ trở nên kinh khủng. Chuyện bỏ bê bài vở trong hai tuần khiến tôi thật sự tuyệt vọng khi quay trở lại học. 

Do đó tôi ngưng học hẳn một năm vì không thể tồn tại được trong môi trường đó. Tôi không thể học cho qua khi bạn bè xung quanh toàn cỡ thiên tài, có thể đọc hàng trăm thậm chí hàng ngàn trang sách mỗi ngày" – Grace nhớ lại khoảng thời gian ba năm trước của mình.

Theo nhiều sinh viên, ở hầu hết các trường lớn đều có bộ phận hỗ trợ, cố vấn về học thuật lẫn tâm lý cho người học. Với các sinh viên có ý định ngừng hoặc nghỉ học đều được khuyên tìm đến các bộ phận trên để có hướng giải quyết hợp lý. 

Điều này đặc biệt quan trọng với những sinh viên theo học dạng học bổng, bởi họ có thể vướng vào một số rắc rối nếu bỏ ngang.

Đọc sách và chơi thể thao

Một điểm chung ở các bạn sinh viên tại các "trường đỉnh" là thói quen đọc sách (điều gần như bắt buộc) và luyện tập thể thao. Với Sam Gutekunst (ĐH Cornell, Hoa Kỳ), việc gìn giữ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là điều cực kỳ quan trọng.

"Tôi thường chơi quần vợt và leo núi, cố gắng ngủ sớm và ngủ đủ tám giờ mỗi ngày" – Sam chia sẻ.

Còn một ngày bình thường của Tushar Agarwal (ĐH Carnegie Mellon, Hoa Kỳ) là học ở giảng đường từ 4-5 giờ, sau đó dành 4-5 giờ để tự nghiên cứu tài liệu, thực hiện các dự án riêng, đôi khi phải hoàn thành bài vở đến nửa đêm.

Do không có nhiều thời gian tập thể thao nên Tushar luôn tranh thủ đi bộ đến trường thay vì đi xe buýt.

CÔNG NHẬT/TTO
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)