Nhiều dự án, mô hình tích hợp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của sinh viên đã và đang được ứng dụng. Những sản phẩm này không chỉ phục vụ cộng đồng mà còn có giá trị khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, đặc biệt là sinh viên trường nghề.
Các thành viên thực hiện dự án “Tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh để diệt virus và vi khuẩn” nhận giải nhì cuộc thi Startup Kite 2021
Vì nỗi lo của cộng đồng
Trước nỗi lo của cộng đồng về sự phát tán nhanh của virus và vi khuẩn trong mùa dịch Covid-19, một nhóm sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM (gồm Lê Hoàng Huy, Nguyễn Thị Kim Thoa, Lê Văn Nam, Nguyễn Dương Thanh và Trần Thanh) đã đặt ra vấn đề: Làm thế nào để ngăn ngừa virus và vi khuẩn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của hệ thống lạnh tại các tòa nhà văn phòng, khách sạn, bệnh viện, siêu thị… Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của hai giảng viên trong trường là Hoàng Văn Viết (Phó Trưởng khoa Nhiệt lạnh) và Nguyễn Thanh Dũng, nhóm sinh viên trên đã tiến hành xây dựng dự án nghiên cứu “Tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh để diệt virus và vi khuẩn”. Theo đó, để việc sử dụng máy điều hòa an toàn, không phát tán virus và vi khuẩn, nhóm đã đưa ra ý tưởng tích hợp đèn UVC (Ultraviolet-C) vào bên trong dàn lạnh của máy lạnh. Em Lê Hoàng Huy (đại diện nhóm thực hiện) chia sẻ: Ưu điểm của giải pháp tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh là không ảnh hưởng gì đến kết cấu và nguyên lý hoạt động của nó. Thêm nữa là có thể áp dụng cho tất cả các dòng máy lạnh hiện có trên thị trường.
Trong khi đó, giảng viên Hoàng Văn Viết cho biết, đèn UVC giúp tiêu diệt hoặc làm mất khả năng hoạt động của virus và vi khuẩn trong không gian điều hòa, cũng như màng sinh học trên dàn lạnh của máy lạnh. Ngoài ra, đèn UVC còn giải quyết được yêu cầu đặt ra trong tương lai là hệ thống máy lạnh trong các tòa nhà, khách sạn, bệnh viện, công trình dân dụng… có thể tiêu diệt hoặc làm bất hoạt các loại virus, vi khuẩn. Đây được xem là một tiêu chuẩn thiết kế quan trọng trong các công trình xây dựng được nhiều quốc gia thảo luận trong thời gian đại dịch diễn ra.
Việc tích hợp đèn UVC nhằm tạo ra các tia bức xạ có bước sóng ngắn để phá hủy phân tử của virus, vi khuẩn vào trong các hệ thống lạnh đã được nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu thử nghiệm và chứng nhận là hiệu quả ngay cả virus SARS CoV-2. Hơn nữa, tích hợp đèn UVC vào trong dàn lạnh sẽ giúp loại bỏ màn sinh học bám trên dàn lạnh, tạo điều kiện cho quá trình đối lưu không khí trên dàn lạnh tốt hơn, từ đó làm tăng hệ số truyền nhiệt giúp thời gian làm lạnh ngắn hơn, nên năng lượng tiêu thụ cũng ít hơn. Đồng thời chi phí bảo dưỡng định kỳ cũng sẽ giảm do giảm số lần bảo dưỡng vì màng sinh học đã bị loại bỏ.
Sản phẩm “Tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh để diệt virus và vi khuẩn”
Thầy Viết cho biết thêm, dự án “Tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh để diệt virus và vi khuẩn” hình thành trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên nhóm thực hiện rất khó khăn trong việc tập trung triển khai xây dựng dự án cũng như lắp đặt mô hình. Tuy nhiên, dự án mang tính khả thi cao, phù hợp ứng dụng trong điều kiện thực tế, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành nên nhóm rất quyết tâm, đồng lòng thực hiện bằng được để có thể mang sản phẩm đến cho cộng đồng, nhất là trong các bệnh viện và nhà ở.
Sẽ ứng dụng cho robot diệt virus, vi khuẩn
Việc tích hợp đèn UVC nhằm tạo ra các tia bức xạ có bước sóng ngắn để phá hủy phân tử của virus, vi khuẩn vào trong các hệ thống lạnh đã được nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu thử nghiệm và chứng nhận là hiệu quả ngay cả virus SARS CoV-2. |
Đề cập đến hướng phát triển của dự án “Tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh để diệt virus và vi khuẩn” trong thời gian tới, giảng viên Hoàng Văn Viết cho biết, song song với việc tích hợp đèn UVC vào trong dàn lạnh của các hệ thống lạnh, hệ thống điều hòa không khí từ dân dụng đến công nghiệp, dự án cũng tiến hành nghiên cứu để tích hợp đèn UVC vào hệ thống lạnh của các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe khách, tàu hỏa, xe ô tô cá nhân và các robot di động phục vụ khử khuẩn tự động ở không gian rộng. Chia sẻ thêm, em Lê Hoàng Huy cho hay, vì dự án mang ý nghĩa cộng đồng nên tinh thần làm việc của các thành viên trong nhóm rất hăng hái, có những hôm thảo luận đến 1-2 giờ sáng. Nhóm rất tự hào đã góp phần chút ít công sức nhỏ bé cho xã hội góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19 khi còn là sinh viên. “Trong năm đầu, nhóm sẽ triển khai quảng cáo để khách hàng hiểu được lợi ích của sản phẩm và chiếm thị phần nhanh nhất có thể. Từ năm thứ hai trở đi, nhóm sẽ cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ từ ý kiến đóng góp của khách hàng, tiến đến hợp tác sản xuất đèn UVC trong nước để hạ giá thành sản phẩm. Đến năm thứ ba thực hiện tích hợp đèn UVC trên một số dòng xe ô tô, xe buýt, xe khách, đồng thời phát triển sản phẩm ứng dụng cho robot di động diệt virus và vi khuẩn”, Huy cho biết.
Với những tính năng thiết thực cho cộng đồng, dự án “Tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh để diệt virus và vi khuẩn” đã đoạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp 2021 – Startup Kite 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức. Ngoài ra, nhóm cũng được ban tổ chức trao giải “Đội được yêu thích nhất” ở lĩnh vực y tế, khoa học ứng dụng.
Được biết, tại cuộc thi Startup Kite 2021, một nhóm sinh viên khác của Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM xuất sắc đoạt giải nhất với mô hình “Máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động”. Theo đó, máy đo thân nhiệt này có sự khác biệt ở chỗ có thể đo được nhiệt độ ở khoảng cách xa, từ 30-50cm, trong khi máy bán trên thị trường chỉ đo được nhiệt độ từ 2-10cm và thời gian đo chỉ trong 1 giây. Máy tích hợp nhiều tính năng và có thể xem thông số trên điện thoại thông minh.
Trần Tri
Bình luận (0)