Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên trường Y và kì thực tập khó quên

Tạp Chí Giáo Dục

Đây cũng là nghề đòi hỏi sinh viên phải nhuần nhuyễn các kĩ năng trước khi bắt tay vào thực tế.
Thử thách chính mình
Hồi hộp, run sợ, lo lắng… là tâm lý chung của sinh viên y khi lần đầu tiên được thực hành trên một cơ thể sống. Quá trình học tập tại trường ĐH Y từ 4- 6 năm, thì thời gian đi thực tập của các bạn đã chiếm 1/4 trong quãng thời gian đó. Ban đầu các bạn được các bác sỹ cho phụ giúp để quan sát học hỏi kinh nghiệm, sau đó có thể được trực tiếp sơ cứu bệnh nhân. Bạn nào xuất sắc hơn thì được tham gia phụ giúp vào các ca mổ. Bạn Lê Văn (SV năm thứ 5 ĐH Y Hải Phòng) tâm sự: “Đây là lần thứ hai tớ được tham gia thực tập. Mấy hôm trước tớ được Trưởng khoa Ngoại cho tham gia giúp ca mổ nối xương. Bệnh nhân bị tai nạn giao thông giập ống chân, xương gãy vụn. Ban đầu tớ sợ lắm khi nhìn thấy vết thương ấy nhưng sau lần đó thì can đảm hẳn lên”.
Bạn Lan (sinh viên năm thứ 2 ĐH Y tế Kỹ thuật Hải Dương) chia sẻ: “Tớ bị ám ảnh bởi chuyện phải vào nhà xác khám nghiệm tử thi. Mùi phoóc-môn, không khí lạnh lẽo, hình ảnh những xác chết được vớt lên từ bể… Giờ tớ sợ không dám ăn măng chua, cá khô, mực tươi nữa. Nhưng biết là sợ nhưng vẫn muốn thử tinh thần của mình”.
Công việc gì cũng vậy, muốn vượt qua hoàn cảnh trước hết phải vượt lên chính bản thân  mình. Những lần đi thực tập là những lần giúp các bạn tự tin hơn, dũng cảm hơn và học hỏi được nhiều hơn để chứng tỏ bản lĩnh của mình.
Và bỏ cuộc trên "đường đua"
Theo chân các sinh viên ĐH Y Hải Phòng thực tập tại bệnh viện tâm thần Đông Khê (Ngô Quyền, Hải Phòng) mới tận mắt chứng kiến sự gan dạ của các bạn ở đây. Đầu tháng 4 vừa qua có một đoàn sinh viên thực tập cũng tới đây và truyền tai nhau câu chuyện của một nữ sinh thực tập với một bệnh nhân.
Số là H (tên cô nữ sinh thực tập) rất chịu khó và nhiệt tình chăm sóc các bệnh nhân, để lại ấn tượng tốt đẹp với nhiều người. Điều này khiến cho bệnh nhân T (quê Nam Định) có tình cảm và theo chân H không rời nửa bước (theo đúng nghĩa đen của từ “theo chân”). Ngày nào cũng vậy, khi H đi thăm các bệnh nhân khác, đi ngủ, đi ăn…, T cũng lẵng đẵng theo sau như chiếc bóng. Mặc cho các bác sỹ cũng như H vận dụng hết kĩ năng nghề nghiệp nhưng càng khiến cho T quyết tâm đeo bám. T tuyên bố: “Nếu H phụ tình, T không thiết sống nữa” (trước đó T vào bệnh viện cũng là do thất tình dẫn đến suy giảm thần kinh nặng). Quá mỏi mệt, H xin kết thúc kỳ thực tập trước hai tuần vì nếu không sẽ bị stress nặng.
Các y bác sỹ ở bệnh viện này không còn lạ gì với những tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết của các bệnh nhân giữa đêm khuya. Nhưng với các bạn sinh viên thực tập, đó là những đêm kinh hoàng và sợ hãi vì 24/24 giờ, các bạn cùng các y tá thay phiên nhau canh chừng các bệnh nhân có triệu chứng nặng, tránh những trường hợp vô thức đáng tiếc xảy ra.
Tương tự như trường hợp của H, Mai (sinh viên năm thứ 2 ĐH Hàng Hải) đã bỏ cuộc giữa chừng khi đang là sinh viên y khoa năm thứ nhất. Theo lời bố mẹ, Mai đã ôn luyện và thi đỗ vào trường Y, nhưng một năm học với lượng kiến thức… “ngập đầu, ngập não” đã khiến cho Mai không theo kịp. Lại thêm phần tính sợ đau khi nhìn thấy dao kéo, Mai quyết định thi lại vào ngành học khác vì thấy mình không phù hợp làm một bác sỹ. Và còn rất nhiều bạn sinh viên khác cũng không qua được  cửa ải thực tập nên cũng đành chuyển hướng nghề nghiệp cho tương lai của mình.
Yêu nghề là làm được
Xác định chọn ngành Y, bạn phải biết chọn cho mình “thái độ chai lì và làm cho các dây thần kinh xấu hổ phải đứt gãy”. Đó là những lời nói hết sức hóm hỉnh của các bạn sinh viên thực tập ở bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Đặc biệt là các bạn nam, khi được hỏi có thấy ngại không thì một bạn cho rằng: “Phải biết bỏ qua sự xấu hổ đời thường mới có thể sẵn sàng cầm dao kéo vào phòng hộ sinh. Mình giúp các bà mẹ sinh con, giúp cho các em bé được ra đời một cách an toàn và khỏe mạnh thì chẳng có gì là ngại”.
Thực tế có nhiều bạn khi mới vào đây đã thấy sợ vì nghe tiếng rên rỉ đau đớn của các bà mẹ lúc chuyển dạ, rồi có lúc sản phụ bị băng huyết… Tất cả chỉ là cảm giác trong chốc lát rồi qua nhanh, vì họ xác định theo nghề là phải dũng cảm!
Tới thăm bệnh viện Y của trường ĐH Y Hải Phòng, một tốp bạn nữ vừa rời khỏi khoa da liễu. Bạn Hồng Ánh giãi bày: “Mình vừa được một bác sỹ ủy nhiệm cho xét nghiệm lâm sàng một bệnh nhân nam bị sùi mào gà. Ngượng không để đâu cho hết, may có cái khẩu trang, chứ không thì… Mình xác định sau này theo học ngành Nam học nên những chuyện thế này cố gắng cho là bình thường, vì mình chưa có gia đình mà”.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Những vất vả, khó nhọc của nghề đã khiến cho các bạn sinh viên càng quyết tâm hơn, can đảm hơn. Hi vọng rằng qua các kỳ thực tập như thế này, các bạn sẽ trưởng thành hơn, đúc kết được nhiều kiến thức thực tiễn qúy báu để trở thành người bác sỹ giỏi trong tương lai.
Theo Lê Bình
(Dân Tin)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)