Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên và Google

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sinh viên truy cập internet tại thư viện điện tử Trường ĐHSP HN. Ảnh: Vũ Việt

Gần chục năm nay trang công cụ Google ra đời đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong chuyện học hành của sinh viên. Thực tế cho thấy trang này chiếm tỉ lệ truy cập áp đảo. Cụ thể theo những khảo sát bước đầu tại mỗi trường ĐH cứ hỏi 100 bạn sinh viên thì có khoảng hơn 80 sinh viên trả lời là dùng “đại gia” Google để tra tìm các kiến thức và thông số cho học tập. Google dường tự bao giờ đã trở thành linh hồn trong hoạt động nghiên cứu của sinh viên.

Không biết thì… hỏi Google

Câu nói này trở thành câu nói chủ đạo ở bất cứ giảng đường nào. Sinh viên nào cũng cho đó là một phương tiện không thể đừng. Trên lớp thầy, cô giao bài tập hay niên luận hoặc bất cứ một cuộc thảo luận nào bạn trẻ cũng tìm đến với anh bạn Google.

Ăn Google, ngủ Google, chơi cũng Google nốt. Câu chuyện dở khóc dở cười này diễn ra tại một lớp học chuyên ngành Tin ứng dụng. Sinh viên răm rắp nghe lời thầy giáo nhưng khi nộp bài thì hàng trăm trang tài liệu không phần nào do học sinh động não mà chỉ là công cuộc “search Google”. Thầy lắc đầu vì học trò ngày nay hiện đại và “đại lãn” quá. Những cử nhân tương lai chỉ mất vài phút cho vài cú kích chuột thì ra được vấn đề và cũng chỉ cần vài thao tác chỉnh sửa Word họ đã biến ra một bài tiểu luận ngon lành. Không thể phủ nhận những mặt tiện lợi, hữu ích và vô cùng thiết yếu cho mỗi nghiên cứu của sinh viên nhưng điều đáng cảnh báo là khá nhiều người đã quá lạm dụng. Trong những buổi thảo luận trên lớp các giảng viên chỉ ớ người ra với những học thuyết “thô” của sinh viên đậm mùi Google. Giảng viên hỏi đến đâu sinh viên đơ người đến đấy. Thầy giáo cố gắng hỏi cũng chỉ nhận được ánh nhìn ngẩn ngẩn ngơ ngơ của học trò. Phương Linh – HVBC&TT cho biết: “Khi làm bài tập hầu hết tôi tra trên “Google”. Ở trên đó không cái gì là không có. Cứ lên vào mà copy. Yên tâm đi họ “update” cực đỉnh luôn”. Như muốn chứng minh quan điểm của mình, cô nàng lắm chiêu này cầm cuốn niên luận dày gần trăm trang hãnh diện khoe: Đó, tất cả là công của Google. Nhìn chung trong những năm vừa qua Google đã góp sức cho tất cả những phương diện trong đời sống xã hội. Những kiến thức của nhân loại hầu hết nằm ở đây, nhưng sinh viên đã quá quen với Google và trở nên nghiện nó, phụ thuộc vào nó. Lười vận động, lười tư duy vốn dĩ đang là bệnh tình của sinh viên nên chuyện có trang công cụ này như một phương thuốc hữu hiệu cho các con bệnh trầm kha.

“Bạn cần gì cứ vào mạng rồi “search Google” ấy, là có hết”. Khi hỏi một vấn đề mà đã từng một thời người bạn này đam mê tôi chỉ nhận được câu trả lời đến thế. Chuyện này không xảy ra ở đại bộ phận nhưng nó cũng tác động đến đời sống các ông cử, bà cử khá nhiều.

Đến dịch ngoại ngữ cũng bằng Google

Gần đây, cư dân yêu “anh chàng lắm tài” Google bàn tán xôn xao về chuyện trang công cụ này đã có thêm chuyên trang dịch tiếng Anh. Đây là niềm vui vô cùng to lớn đối với mạng lưới cư dân mạng “dốt đặc cán mai” tiếng Anh.

Khi tiếng Anh đã trở thành một công cụ cho sinh viên tiếp xúc với kho tàng trí thức vô cùng to lớn của nhân loại thì chuyện đọc được nó là chuyện không hề đơn giản. Lúc chưa có đại gia Google thì chuyện không biết dịch tiếng Anh đã làm cho nhiều bạn trẻ vật vã đi nhờ những người học chuyên ngoại ngữ. Nhưng từ khi Google xuất hiện thì chuyện lớn hoá nhỏ, đồi núi hoá đồng bằng, dân “cán mai” tiếng Anh như được “mở cờ” trong lòng. Bao nhiêu bài tập liên quan đến tiếng Anh cô giáo giao đều làm nhanh chóng mặt. Rồi hàng loạt những bài tập đó được lên thuyết trình thì trật khấc ra có khá nhiều bản dịch không đúng với nội dung nguyên gốc. Giảng viên chỉ còn nước “bỗng dưng muốn cười”, còn sinh viên thì lại “bỗng dưng muốn khóc” vì những chất vấn đến từ thầy cô. Trang dịch của Google mới bước đầu hoạt động nên chuyện dịch lỗi và hỏng thì không thể tránh khỏi, điều quan trọng là ở chính mỗi người xử lí những thông tin dịch đó như thế nào. Thuỳ Trang- khoa Anh- ĐHHN tâm sự: “Lúc đầu mình cũng thử vào xem họ dịch ra sao? Nhưng xem thông tin bản gốc và thông tin bản dịch khác xa nhau lắm. Vì được học chuyên ngành về dịch nên mình tỉnh táo nhận ra. Mình nghĩ rằng dù Google chứa đựng nhiều thông tin, nhiều kiến thức nhưng nó cũng chỉ là dạng tham khảo thôi. Google theo mình là một cuốn sách tham khảo”. Tình trạng nhờ Google dịch ngôn ngữ Anh sang Việt đang trở nên phổ biến và nó đang làm hỏng một số kĩ năng của sinh viên, cụ thể là kĩ năng tư duy và dịch.

Sử dụng trang công cụ đúng nghĩa của nó đang là vấn đề gây trăn trở cho nhiều giảng viên. Họ đã quá mệt mỏi với những trang viết không có tính cống hiến của giới trẻ giảng đường. Thực chất Google chỉ là dạng tài liệu tham khảo và sinh viên cần nhìn nhận nó như vậy để có những kết quả thực chất, nâng cao kiến thức và sự hiểu biết cho bản thân.

Nguyễn Thu Hà (GD&TĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)