Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên về… mái ấm nhà vui

Tạp Chí Giáo Dục

Chiến sĩ tình nguyện Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch hướng dẫn bà con trong ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách) kỹ thuật sơ cấp cứu

Theo chân các tình nguyện viên Mùa hè xanh năm 2015 đến các địa bàn cần giúp đỡ, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả và cả những hy sinh thầm lặng của các bạn để mang những niềm vui nho nhỏ về cho các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.

Cực thì cực, làm thì… làm

Rạch Bình Trưng thuộc địa bàn Q.2 (TP.HCM) dài 300m được các chiến sĩ tình nguyện Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tiến hành “làm mới” ngay những ngày đầu tiên của chiến dịch. Người mang ủng, người đeo găng, tay cầm chặt các cây cào tích cực cải thiện con rạch bị ô nhiễm nặng. Mùi hôi thối bốc lên từ dòng nước đen ngòm đầy bèo, cỏ và rác hòa với mùi mồ hôi ướt đẫm lưng áo là thứ mùi hương “ngọt ngào” nhất mà chúng tôi cũng như các chiến sĩ tình nguyện chưa từng biết. Găng tay không đủ chia cho cả đội, vài đôi tay trần sau một ngày làm việc đã nhem nhuốc bùn đất, vài vết xước ngang dọc xuất hiện do gai của cây dại đâm vào. Con rạch sau một ngày được “cứu” đã trở nên sạch hơn, mùi hôi không còn nồng như trước, hai bên bờ cũng thoáng đãng hơn do cỏ dại đã được dọn sạch.

Đội tình nguyện khác đến từ Học viện Hàng không TP.HCM đóng quân tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) trong 21 ngày có rất nhiều hoạt động tích cực như: Trồng cây xanh ven đường, sửa nhà cho các cụ già neo đơn, làm đường bê tông dài 200m, tuyên truyền bảo vệ môi trường… Những ngày đầu do chưa thích nghi với môi trường, vài chiến sĩ trong đội bị sốt nhẹ nhưng đã sớm hồi phục. Sau nhiều ngày tích cực hoạt động, đoạn đường bê tông dài 200m đã được hoàn thành, hàng chục cây xanh được trồng hai bên đường, những mái nhà được lợp tôn, che chắn kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa này. Bạn Đức Quyết (sinh viên năm 4) cho biết trong những ngày cuối, đội sẽ chia thành hai nhóm nhỏ để tuyên truyền bảo vệ môi trường cho bà con trong vùng.

Các chiến sĩ tình nguyện Trường ĐH Bách khoa đang làm sạch rạch Bình Trưng (Q.2)

Trong khi đó, tại xã Long Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM), 21 chiến sĩ tình nguyện đến từ Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tổ chức sinh hoạt vui chơi cho các em thiếu nhi, xây nhà tình nghĩa, sửa chữa cống nước, mương rãnh… cho người dân. Đội đóng quân 14 ngày và gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Trừ những lúc cần về gấp phải đi xe, thường ngày phương tiện di chuyển của cả đội chủ yếu là đôi chân. Vài chiếc xe đạp mượn của người dân được dùng để chở dụng cụ, những thành viên còn lại phải đi bộ đến địa điểm hoạt động, có hôm đi quãng đường dài gần… 7km. Bạn Khánh Linh (sinh viên năm 3) chia sẻ rằng: “Trong những ngày cùng gắn bó, tình đồng đội là điều khiến tôi cảm động và là cảm giác đặc biệt nhất mà tôi có từ lúc trở thành sinh viên đến nay”. Với khẩu hiệu “Đi dân nhớ – Ở dân thương – Làm dân tin”, các chiến sĩ không chỉ mang lại tiếng cười cho trẻ em mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho rất nhiều người dân tại xã.

“Học đi đôi với hành”

Chiến sĩ tình nguyện Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn xây nhà tình nghĩa cho bà con xã Long Thạnh, huyện Cần Giờ

Mang tính chuyên môn hơn so với các hoạt động khác, 13 chiến sĩ thuộc đội hình truyền thông giáo dục sức khỏe của Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch ra sức tuyên truyền và hướng dẫn những vấn đề cơ bản để bảo vệ sức khỏe cho người dân tại ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng). Công việc tưởng chừng đơn giản do chỉ mang tính thuyết trình lại trở nên vất vả hơn khi gần 90% người dân tại ấp là dân tộc Khmer và Hoa. Tuy người dân đều hiểu tiếng Việt nhưng các bạn vẫn phải lựa chọn từ ngữ sao cho dễ hiểu nhất để họ dễ nhớ và làm theo. Ngoài việc tuyên truyền tại ấp, tình nguyện viên còn đi đến các trường phổ thông hướng dẫn sơ cấp cứu và sức khỏe sinh sản, riêng học sinh tiểu học được hướng dẫn cách rửa tay và bảo vệ răng miệng. Vì đời sống bà con rất khó khăn nên việc giúp đỡ chỗ ở cũng như ăn uống cho các chiến sĩ rất hạn chế. Bạn Trà My (sinh viên năm 3) chia sẻ: “Với số tiền ít ỏi có được, trung bình một ngày 13 người chỉ có 75.000 đồng. Ban đầu tụi mình ăn toàn cơm, rau với nước tương. Sau đó bà con thương, lâu lâu cho cá, thịt. Ở lâu mới thấy được tình người của bà con ấm lắm”. Tương tự, đội tình nguyện của Trường ĐH Sài Gòn (Khoa Sư phạm mỹ thuật) lại có những ngày đáng nhớ khi hỗ trợ “làm đẹp” nhiều ngôi trường đã cũ kỹ trên địa bàn Q.8 (TP.HCM). Bạn Thảo Tiên (sinh viên năm 3) cho biết: “Mấy bức tường cũ rồi, tụi mình vẽ tranh, cây cỏ… không chỉ làm đẹp trường mà còn giúp các em học sinh thích trường mà siêng học hơn. Qua đó còn giúp tụi mình rèn luyện tay nghề vững vàng hơn”. Những bức tường loang lổ ban đầu giờ đã được thay bằng những bức tranh đủ màu sắc, trông ngôi trường như vừa khoác lên một tấm áo mới.

Bài, ảnh: Ánh Ngọc

Chiến dịch Mùa hè xanh lần thứ 22 đang bước vào giai đoạn cuối. Một số đội hình đã hoàn thành công việc, những đội hình khác vẫn đang gấp rút để hoàn thành nhiệm vụ trước ngày Lễ hội quân diễn ra vào ngày 16-8.

 

Bình luận (0)