Giáo trình tiếng Anh được photo tại cửa hàng Thúy Nga trên đường An Dương Vương, Q.5
|
Rất nhiều biện pháp tích cực từ phía các trường ĐH đưa ra nhằm hạn chế tình trạng sinh viên (SV) sử dụng sách, giáo trình, tài liệu photo trong quá trình học tập, thi cử, nghiên cứu. Tuy nhiên, theo giảng viên một trường ĐH tại TP.HCM, các biện pháp trên vẫn chỉ mang tính tình thế, chưa được áp dụng triệt để, số SV sử dụng tài liệu gốc hiện chỉ chiếm 10-15%.
Lý do muôn thuở mà SV đưa ra vẫn là sách photo rẻ lại dễ kiếm. Còn các trường ĐH thì cho rằng đó là do thói quen của SV từ lâu nên rất khó bỏ.
“Double” photo
Tại cửa hàng photo Thúy Nga trên đường An Dương Vương (Q.5), Hồng Thắm (SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã yêu cầu chủ cửa hàng photo bản sao cuốn sách Cơ sở văn hóa Việt Nam của GS. Trần Ngọc Thêm ra 10 bản với giá 35 ngàn đồng/cuốn (giá bản gốc là 50 ngàn đồng/cuốn). Giải thích cho việc sử dụng sách photo, Hồng Thắm chia sẻ: “Sách photo vừa nhanh lại vừa rẻ – chỉ cần có một cuốn bản gốc hay bản sao (photo lại bản gốc – PV), trong vài phút là đã có sách trong tay. Với lại, những cuốn giáo trình không phải môn chuyên ngành thông thường tụi em ít khi sử dụng sách gốc lắm. Học có một lần, dùng sách photo để sau này không dùng đến nữa cũng đỡ tiếc…”.
Anh Phan Trọng Khôi – chủ cửa hàng photo Thúy Nga – cho biết mỗi ngày cửa hàng anh photo rất nhiều sách giáo trình, tài liệu tham khảo. Nhất là vào những dịp thi cử, đầu năm hay cuối năm học. Có khi còn photo cho SV cả một lớp. Giá thành sách photo thường rẻ hơn 20-30% so với giá bìa của sách gốc. Nhưng cũng có những cuốn chỉ rẻ hơn được vài ngàn đồng.
Luôn “đồng hành” cùng các trường ĐH, CĐ là những tiệm photocopy để phục vụ nhu cầu “nhân bản” sách của SV. Các tiệm photocopy ở tuyến đường An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ (Q.5) thì phục vụ SV Trường ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn, ĐH KHTN; tiệm trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10) thì phục vụ SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM; tiệm trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) thì phục vụ SV Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Y dược…
Đa phần SV chia sẻ rằng khi sử dụng các loại giáo trình photo thường thì không nhận được sự can thiệp từ phía giảng viên. Thậm chí, có giảng viên còn giới thiệu giáo trình rồi cho SV mượn bản gốc để đi photo. Với những giáo trình không phải chuyên ngành theo học, SV thường dùng bản photo thay vì dùng bản gốc. “Cũng một phần do thói quen, thấy bạn bè dùng sách photo vừa rẻ mà vẫn học bình thường được nên mình cũng dùng sách photo. Trên giá sách của mình bây giờ, chỉ có vài cuốn là bản gốc còn toàn sách photo thôi…” – Ngọc Thuận, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho hay.
Chưa có “thuốc đặc trị”
Không phải đến tận bây giờ khi mà SV dùng sách photo như một “thiếu sót” không đẹp thì các trường mới vào cuộc. Nhưng biện pháp để “trị” thực trạng này thì các trường áp dụng thiếu triệt để, khiến SV “lờn thuốc”.
Trung tâm Học liệu của Trường ĐH Luật TP.HCM từ lâu đã bắt tay với nhiều NXB như: NXB Trẻ, NXB Giáo dục, NXB Văn hóa… để cập nhật sách mới và giảm giá thành sách cho SV. Trong khi đó, tài liệu, sách tham khảo cũ được thư viện trường thanh lý bán cho SV với giá từ 5-10 ngàn đồng/cuốn. Bên cạnh đó, quy định cấm SV sử dụng giáo trình photo toàn quyển đã được phổ biến trên dưới 5 năm nay. Giảng viên và ngay cả bảo vệ nhà trường có quyền tịch thu những cuốn sách vi phạm. Tuy nhiên, TS. Phan Nhật Thanh – Phó giám đốc thư viện Trường ĐH Luật TP.HCM – thừa nhận rằng SV vẫn không mấy “mặn mà” với sách gốc. “Luật Bản quyền ở Việt Nam còn rất mập mờ, chưa chặt chẽ, không hề có một chế tài nào được áp dụng với SV. Trong khi đó, SV chưa có ý thức và hiểu biết về Luật Bản quyền. Sử dụng sách photo toàn quyển như một điều hiển nhiên, đó không khác nào một hành vi ăn cắp…” – TS. Phan Nhật Thanh chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – giảng viên Khoa Luật quốc tế (ĐH Luật TP.HCM) – Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam giới hạn bảo hộ quyền tác giả chỉ cho phép người dùng được photo 12-20% cuốn sách sử dụng với mục đích nghiên cứu cá nhân không vượt ra ngoài phạm vi kinh doanh xã hội.
Hiện Trường ĐH Sài Gòn đang “bật đèn xanh” để mở thư quán, sẽ nhận ký gửi sách từ phía các nhà sách để hỗ trợ SV với mức chiết khấu giá thấp nhất. Đồng thời, thông qua các hoạt động Đoàn – Hội, Khoa Thư viện – thông tin cũng thường xuyên phổ biến kiến thức để nâng cao hiểu biết cho SV về Luật Bản quyền. Ông Dương Trí Trung – Giám đốc Trung tâm Thư viện Trường ĐH Sài Gòn – cho biết hiện thư viện có tới hơn 100.000 đầu sách giáo trình, tham khảo đảm bảo phục vụ đủ cho SV học tập. Tuy nhiên, ông Dương Trí Trung nhìn nhận rằng, số SV mượn giáo trình để học chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Có trường hợp còn mượn về photo rồi trả lại bản gốc.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Trung – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng việc SV sử dụng tài liệu photo để học tập, nghiên cứu đã trở thành thực trạng của ngành giáo dục mà không phải một sớm một chiều có thể cải thiện được. Phía nhà trường cũng đang cố gắng đến năm 2015 tất cả các học phần đều có giáo trình và NXB ĐH Sư phạm in đủ số lượng sách cho SV trong trường. Theo TS. Nguyễn Ngọc Trung, nhà trường bắt buộc SV phải có giáo trình gốc đôi khi rất khó vì số lượng SV mỗi lớp rất đông, giảng viên không thể nào quán triệt hết được.
Bài, ảnh: Yến Hoa
“Các cơ quan chức năng nên bắt tay với các trường để áp dụng Luật Bản quyền, Sở hữu trí tuệ một cách nghiêm túc. Có như thế mới dần cải thiện được nhận thức cũng như thói quen của SV. Cả xã hội đang lên án việc đạo văn thì việc SV ngang nhiên sử dụng sách photo cũng chính là hành động đi ngược lại, rất phản cảm”, TS. Nguyễn Ngọc Trung – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – nói. |
Bình luận (0)