Ngoài kỹ năng cứng trong sách vở, những kỹ năng thực hành xã hội (kỹ năng mềm) quyết định rất lớn đến thành công trong sự nghiệp và tương lai của giới trẻ. Thế nhưng với sinh viên, bài học thực tế này đang thiếu.
Ngại vào đời
Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam cho thấy, trong 100 sinh viên tốt nghiệp có 83 trường hợp bị đánh giá thiếu kỹ năng mềm, 37 sinh viên không tìm được việc làm thích hợp vì nguyên nhân kỹ năng là chủ yếu.
Theo Bộ LĐTB-XH, cứ 2.000 hồ sơ xin việc được nộp thì chỉ có 40 hồ sơ đạt yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Đây chưa hẳn là một con số tuyệt đối chính xác nhưng cũng đủ để đánh giá thực trạng tổng quan về chất lượng thật của sinh viên so với yêu cầu thực tế của xã hội.
Đặc biệt, tháng 10-2009, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) công bố kết quả khảo sát 2.000 học sinh – sinh viên tại 4 thành phố lớn nhất cả nước (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) thì hơn 80% học sinh, sinh viên lạc quan và có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai nhưng lại thiếu hẳn khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng sống và thái độ dám dấn thân.
Sinh viên đang thực hành kỹ năng làm việc nhóm.
|
Trong đó, những kỹ năng mà xã hội cần như khả năng lãnh đạo, biết làm việc độc lập, tham gia các hoạt động xã hội, có niềm đam mê trong lĩnh vực nào đó, năng khiếu, sở thích… không hề được sinh viên đánh giá cao.
Có thể thấy, ước mơ của sinh viên hiện nay rất thực dụng nhưng lại không cụ thể, hiểu biết và động cơ còn rất mơ hồ về việc thực hiện ước mơ. Một con số đáng lưu ý nữa là có đến trên 50% sinh viên cho biết họ tiếp tục học lên cao hơn vì lý do ngại vào đời. “Ham học là một suy nghĩ tích cực nhưng với điều kiện đất nước hiện nay sinh viên khi tốt nghiệp ngại dấn thân vào đời mà tiếp tục học, sở hữu bằng cấp cao hơn là một gánh nặng cho ngành giáo dục” – TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, chia sẻ.
Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Tập đoàn Trí Tri, cho rằng: Những hạn chế của sinh viên VN hôm nay khi vào đời là thiếu kỹ năng thực hành xã hội, đặc biệt là kỹ năng “mềm” như kiến thức tổng quát, khả năng giao tiếp, truyền đạt ý tưởng, làm việc nhóm… Đây là hệ quả tất yếu của cách dạy nhồi nhét thiếu thực tế. Và vì vậy, có đến 89,4% học sinh – sinh viên cho rằng tư vấn của nhà trường và thầy cô không ảnh hưởng đến định hướng tương lai của các em.
Đưa kỹ năng sống vào nhà trường
Sinh viên Nguyễn Thị Kim Khuyên (ĐH Ngoại thương TPHCM) cho biết: “Khi đi học, em đã được dạy rằng kiến thức trong sách vở là quan trọng và phải đạt điểm cao trong các kỳ thi mới được công nhận là học giỏi. Nhưng trên thực tế các nhà tuyển dụng họ không chú trọng vào những tấm bằng “đỏ” – khá, giỏi mà cái họ cần là kỹ năng. Như vậy, từ nhỏ đến sau khi tốt nghiệp ĐH, chúng em chỉ được dạy những kỹ năng cứng (kiến thức trong sách vở) còn những kỹ năng mềm để áp dụng trong thực tiễn hoàn toàn thiếu”.
Một sinh viên Trường ĐH Mở cho rằng, vấn đề kỹ năng thực hành xã hội cũng mới được quan tâm và được nhà trường thực hiện chỉ ở mức tuyên truyền cho có nên chưa đánh đúng vào nhu cầu của sinh viên. Mặc khác, với cách dạy và học hiện nay cũng khó để sinh viên có nhiều thời gian để tự khám phá, tìm hiểu sở thích của mình. Một nguyên nhân khác mà sinh viên cũng đưa ra chính là câu lạc bộ đội nhóm hoạt động trong trường còn thiếu hiệu quả, chủ yếu là các hoạt động đoàn hội là chủ yếu.
Chia sẻ những âu lo của của sinh viên, Th.S Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM), cho rằng, giữa đào tạo của nhà trường và doanh nghiệp có “độ chênh” quá lớn. Để giải quyết bài toán này, các trường nên đưa việc dạy kỹ năng sống vào giảng đường hay tổ chức các lớp học ngoại khóa mời đại diện các doanh nghiệp giảng dạy, tư vấn hoặc môn tự chọn để tích lũy cho sinh viên.
Khi nhà trường cùng doanh nghiệp cùng ngồi lại thì sẽ giúp sinh viên xóa được việc lầm tưởng những kiến thức mà mình lĩnh hội trong 4 – 5 năm trời ngồi trên giảng đường ĐH đã là quá đầy đủ để làm việc được ở bất cứ vị trí nào.
Theo chuyên gia Bùi Đức Chính, Giám đốc Công ty BCC, khi dạy kỹ năng làm việc nhóm (kỹ năng mềm) chúng ta không dạy bằng lý thuyết suông mà phải cụ thể bằng hành động để người học rèn luyện, ứng dụng và phải thực hành một cách liên tục trong cuộc sống chứ không phải kiểu “mì ăn liền” hay “cưỡi ngựa xem hoa” thì không hiệu quả.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, Th.S Nguyễn Thị Tâm cho rằng, thế kỷ 21 được cho là thế kỷ của kỹ năng nên việc học những kỹ năng thực hành xã hội đòi hỏi cá nhân phải học – áp dụng liên tục. Hiện nay, nhà trường, doanh nghiệp xã hội đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề trang bị kỹ năng sống cho cho giới trẻ và đang có những phối hợp để thực hiện. Tuy nhiên, sự cố gắng từ 3 thành tố này cũng trở thành số không nếu thiếu sự năng động, tự ý thức, tự bản thân từ phía người học.
Để hoạch định tương lai, cá nhân cần phải tự học, tự phát triển năng lực, đồng thời việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai của giới trẻ cũng cần giáo dục ngay từ khi các em cắp sách đến trường.
THANH HÙNG/SGGP
Bình luận (0)