Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên Y khoa năm cuối vừa ăn vừa ôn thi bác sĩ nội trú

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi bác sĩ nội trú vào tháng 8 năm cuối Đại học Y khoa, nên mùa hè của sinh viên năm 5 chỉ có học và hàng kg tài liệu.

Một ngày của sinh viên Y thường bắt đầu rất sớm. Sáng đi học, chiều đi trực, tối lên giảng đường rồi về học đến một giờ sáng hôm sau. Bởi vậy, nghỉ hè là cơ hội hiếm hoi cho những bác sĩ tương lai thư giãn, nghỉ ngơi và lên dây cót cho năm học mới. Tuy nhiên mùa hè cuối cùng của 6 năm đại học y khoa lại luôn đặc biệt với những bác sĩ tương lai bởi có quá nhiều áp lực và trăn trở.

"Mùa hè năm cuối luôn là mùa hè khốc liệt mà không sinh viên Y nào quên được", anh Nguyễn Văn Tuấn, 25 tuổi, bác sĩ nội trú năm nhất, khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai, kể.

Tuấn đến với ngành Y như một cơ duyên khi học lớp 11 từng đối diện với sự sống – cái chết và được các bác sĩ tận tình chăm sóc. Nam sinh khối B trường THPT Duy Tiên (Hà Nam) khi ấy quyết định thi vào Đại học Y Hà Nội để trở thành bác sĩ. Qua 5 năm đại học, anh ôn thi nội trú để có cơ hội thực hành và rèn nghề tốt hơn.

"Thi nội trú không là con đường duy nhất nhưng là con đường nhanh nhất để được học tập và rèn nghề. Đỗ bác sĩ nội trú giống như là tấm vé thông hành để mở rộng tương lai hơn", Tuấn nói.

Kỳ thi nội trú thường bắt đầu vào tháng 8 của năm cuối đại học y khoa. Hoàn tất chương trình học nội trú kéo dài 3 năm, bác sĩ nội trú được cấp 3 bằng: bằng bác sĩ chuyên khoa 1, bằng thạc sĩ y khoa và bằng bác sĩ nội trú. Lượng học viên đăng ký đào tạo bác sĩ nội trú đông nên cạnh tranh gay gắt, cơ hội được ở lại các viện lớn để làm việc cũng hẹp dần.

Mỗi ngày, Tuấn dành toàn bộ thời gian cho việc ôn tập. Anh học ở phòng ký túc, giảng đường, hành lang… Tài liệu cần đọc không thể tính bằng quyển mà tính bằng kg, Tuấn và các sinh viên khác phải học thuộc lòng, hiểu cặn kẽ từng câu chữ, từng vấn đề nhỏ nhất. Sinh viên ngành y chỉ có 2 mùa học và thi nên mùa nào cũng thấy la liệt người ngồi đọc sách ở ghế đá, gốc cây, thư viện, giảng đường.

Hiện, kỳ thi nội trú không còn khó khăn như trước nhưng ôn thi nội trú là một chặng đường dài với lượng kiến thức ôn tập lớn. Do đó, đây vẫn là cột mốc được nhiều sinh viên lựa chọn.

Buổi tối muộn của Tuấn bên bàn học để tiết kiệm thời gian ôn tập thi bác sĩ nội trú. Ảnh: Giang Huy

Cũng chuẩn bị cho kỳ thi bác sĩ nội trú, Ngọc Long, sinh viên năm thứ năm, Đại học Y Hà Nội, cho rằng hiếm có ngành nghề nào mà áp lực học tập lại lớn như ngành y. Rất đông sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa đã từng khủng hoảng khi học năm thứ nhất bởi kiến thức rộng lớn. Đến năm học thứ tư, khi mọi thứ đã vào guồng, việc một tuần trực đêm 2-3 buổi hay lịch thi cử dồn dập lại không còn điều đáng bận tâm nữa. Ngoài ra, sinh viên trường Y đã quen với bận rộn nên hầu như ai đã xác định ôn thi nội trú thì đều tự chuẩn bị tinh thần để ôn tập và bổ sung kiến thức mỗi ngày.

Thay vì bù đầu học, Mỹ Linh, cũng là sinh viên năm cuối chuyên ngành Bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội, lên kế hoạch cho một chuyến du lịch để tận hưởng mùa hè cuối trước khi bắt tay vào ôn tập. Học y khoa, Linh cũng đam mê tiếng Anh nên tham gia các câu lạc bộ trong và ngoài trường. Những mùa hè trước, Linh dành thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa. "Năm nay, thời gian phải chia nhỏ hơn cho nhiều việc, đặc biệt là ôn thi bác sĩ nội trú", Linh nói.

Mới đây Mỹ Linh và hơn 20 bạn học đến Huế du lịch 3 ngày. Theo Linh, đây là mùa hè cuối cùng nên tất cả đã cố gắng sắp xếp lịch riêng để cùng nhau tận hưởng trước khi bắt đầu năm học mới.

Mỹ Linh ( váy đỏ) và các bạn học trong chuyến du lịch ở Huế cuối tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỹ Linh (váy đỏ) và các bạn học trong chuyến du lịch ở Huế cuối tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những sinh viên năm cuối không thi bác sĩ nội trú vẫn tiếp tục ôn tập để tham gia kỳ thi tốt nghiệp đại học. Sau đó, các bác sĩ mới ra trường phải thực hành tại cơ sở y tế ít nhất 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo Thùy An/Vnexpress

Bình luận (0)