Nhiều SV chuẩn bị tốt nghiệp nhưng vẫn loay hoay với môn ngoại ngữ |
Trong thời kỳ hội nhập với thế giới, việc trang bị cho mình kỹ năng ngoại ngữ là một yêu cầu không thể thiếu cho sinh viên (SV) khi bước vào đời. Tuy nhiên, thực trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay ở các trường đại học (ĐH) đang bỏ lửng… chất lượng.
10 năm vẫn còn “bập bẹ”
Nếu tính từ lúc học trung học cho đến hết bậc ĐH, hầu hết SV đều trải qua hơn 10 năm “luyện” ngoại ngữ, trong đó phổ biến là học tiếng Anh. Quá trình học thì dài như vậy nhưng kết quả thu về chẳng được bao nhiêu, thậm chí là trống rỗng.
Bạn Thu Hiền, SV Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết: “Tính riêng thời trung học em đã học Anh văn được 7 năm, mỗi năm học 9 tháng, mỗi tháng học 4 tuần, mỗi tuần học 3 tiết, mỗi tiết học 45 phút, vị chi đã có khoảng 34.020 phút học tiếng Anh. Đó là chưa kể thêm 4 năm học ĐH, rồi ở các trung tâm tiếng Anh hay tự học tại nhà. Mất nhiều thời gian, công sức là thế nhưng đến thời điểm này, em vẫn “bập bẹ” chưa thể giao tiếp được với người nước ngoài”.
Cùng “giậm chân” tại chỗ như Thu Hiền, Nam Long, SV Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM than thở: “Nhà trường yêu cầu có bằng B Anh văn do ĐHQG TP.HCM cấp mới được xét điều kiện để tốt nghiệp. Tưởng dễ nên mình để đến năm hai mới bắt đầu học. Thế nhưng thi-đi-thi-lại mấy lần đều rớt. Mình thi nghe, nói, đọc, viết chưa môn nào được 5 điểm. Cuối cùng nản quá mình bỏ luôn, nghe lời bạn bè “chạy” bằng nhưng đến giờ vẫn chưa được. Thiếu bằng ngoại ngữ coi như năm nay mình không thể tốt nghiệp”.
Học ngoại ngữ nhưng không thể sử dụng được vốn kiến thức đã học đang là tình trạng chung khá phổ biến hiện nay của SV. Có nhiều SV phải bỏ dở dự định học lên cao học vì gặp phải cản trở về năng lực ngoại ngữ. Tại hội thảo “Thi tiếng Anh sau ĐH” do ĐHQG TP.HCM tổ chức (tháng 12-2009) một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra vì sao một số trường ĐH không tuyển đủ chỉ tiêu, đó là tình trạng yếu kém về năng lực ngoại ngữ của thí sinh.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng: “Khi hòa nhập với thế giới, học và thi tiếng Anh là cả một vấn đề đối với nền giáo dục Việt Nam. Qua các đợt tuyển sinh sau ĐH một số năm gần đây, kết quả cho thấy, trình độ tiếng Anh của nhiều thí sinh vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế”.
Thiếu tính liên kết giữa các bậc học
Cô Nguyễn Minh Hồng, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THPT Gia Định tâm sự: “Mặc dù Anh văn là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông nhưng tính định hướng chưa cao, chương trình giảng dạy chưa thống nhất giữa các cấp độ, thiếu tính liên thông giữa chương trình dạy từ các bậc học. Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng lãng phí và tốn kém mà không đem lại hiệu quả cao. Đây chỉ là một trong nhiều lý do khiến người học cảm thấy mình rơi vào vòng luẩn quẩn”. Cô Nguyễn Minh Hồng cho biết thêm, những vấn đề đó chưa phải là nguyên nhân chính, cái cơ bản nhất vẫn là ở ý thức học tập của HS, SV chứ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Thật vậy, ý thức của người học là yếu tố quyết định đến việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trì trệ trong quá trình nâng cao khả năng ngoại ngữ của SV cũng có một phần trách nhiệm thuộc về nhà trường, đặc biệt là những người quản lý.
“Mặc dù hiện nay chuẩn đầu ra của các trường ĐH có sự khác nhau, có trường yêu cầu bằng B Anh văn, có trường thì yêu cầu điểm TOEIC, IELTS… Tuy nhiên, so với 10 năm trước, chương trình giảng dạy tiếng Anh hiện nay vẫn chưa có gì thay đổi. Chính vì không có sự đa dạng hóa trong chương trình nên nhiều giáo viên không tìm được hứng thú khi giảng dạy”, một giảng viên bộ môn tiếng Anh, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho biết.
Cùng đồng tình với ý kiến của giảng viên này, TS. Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục ĐHQG TP.HCM chia sẻ: “Việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đang thiếu một tiếng nói chung từ các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, SV và nhà tuyển dụng. Đồng thời, chúng ta cũng thiếu một nền tảng khoa học để xây dựng hoặc lựa chọn những chiến lược quan trọng dẫn đến việc không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Kỳ cuối: Đổ xô đi tìm “phao cứu sinh”
Anh văn là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông nhưng tính định hướng chưa cao, chương trình giảng dạy chưa thống nhất giữa các cấp độ, thiếu tính liên thông giữa chương trình dạy từ các bậc học – Cô Nguyễn Minh Hồng, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THPT Gia Định cho biết. |
Bình luận (0)