Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên yếu ngoại ngữ: Kỳ cuối: Đổ xô đi tìm “phao cứu sinh”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

SV đến các trung tâm ngoại ngữ chỉ để… ngủ

Việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường ĐH hiện nay có thể nói là muôn hình vạn trạng. Bởi ở mỗi trường đều có sự khác nhau trong trình độ đầu vào, chương trình giảng dạy cũng như quy định chuẩn đầu ra.
Khập khiễng đầu vào, đa dạng chuẩn ra
Thúy An, SV ngành tài chính ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM) kể: “Mình thi vào khối A nên năng lực tiếng Anh rất kém. Nhà trường xếp mình vào học lớp thứ hai (lớp này có trình độ ngoại ngữ thấp hơn nhiều so với lớp thứ nhất). Năm nhất tụi mình chủ yếu học về cấu trúc ngữ pháp, năm hai và năm ba có thêm phần nghe, nói. Vì môn này không tính vào điểm tổng kết năm học mà chỉ yêu cầu học đủ tín chỉ nên tụi mình chỉ học để thi cho qua. Vì thế, từ năm nhất đến cuối năm ba, mỗi tuần học 6 tiết Anh văn, mỗi tiết 45 phút nhưng nhìn chung tụi mình không có tiến triển gì thêm, đi thi lúc nào được 5 điểm là mừng rồi”. Trong khi đó, Duyên Anh, bạn học cùng trường với An, cho biết: “Các buổi học ở trường nếu giảng viên không điểm danh thì lớp vắng rất nhiều. Mình cũng hay nghỉ học ở nhà vì có lên lớp học, năng lực Anh ngữ cũng không tiến triển được bao nhiêu”. Thực tế, nhiều SV kém ngoại ngữ luôn than thở trình độ không bằng những SV khác, còn những SV nói tiếng Anh như… gió cũng ngao ngán khi phải “ngồi chung lớp với những SV kém” bởi không thể nâng cao trình độ nếu học cùng họ. Từ đó đã xảy ra thực trạng: SV kém ngoại ngữ nghĩ mình học yếu nên buông xuôi; còn SV giỏi thì… chán học, nên nghỉ ở nhà cho khỏe!
Thu Hà, SV Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM than: “Kể từ khóa mình vào học (2006-2010), nhà trường áp dụng hệ thống tín chỉ, chỉ cần có bằng B ngoại ngữ do trung tâm của trường hoặc các trung tâm khác cấp nhưng thuộc ĐHQG TP.HCM sẽ được xét tốt nghiệp. Vì thế, rất nhiều bạn đã đợi đến năm 3, năm 4 mới đi học để thi lấy bằng. Lâu ngày không học nên kiến thức cũng quên dần, do đó, không ít bạn đến năm cuối thi-đi-thi-lại nhiều lần cũng không qua nổi”.
Nghịch lý ở chỗ, trong khi trình độ ngoại ngữ của SV còn yếu kém nhưng quy định chuẩn đầu ra ở các trường lại khá phong phú. Thầy Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho biết: “Tùy theo năng lực của SV mà mỗi trường ĐH đưa ra một điều kiện về năng lực ngoại ngữ riêng. Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM quy định SV phải có bằng B mới được xét tốt nghiệp vì nhìn chung trình độ đầu vào của các em chưa được cao”.
Bắt đầu từ khóa 34 (2008-2012), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã ban hành chuẩn TOEIC để đánh giá trình độ tiếng Anh của SV khi tốt nghiệp ĐH chính quy. Theo đó, SV phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận điểm thi TOEIC còn trong thời hạn giá trị (2 năm kể từ ngày cấp, tính đến thời điểm xét tốt nghiệp). Đối với SV ngành ngoại thương, du lịch, kinh doanh quốc tế thì phải đạt tối thiểu TOEIC 550 điểm, các ngành còn lại là 450 điểm. Ngoài quy định này, SV vẫn được học chương trình tiếng Anh giao tiếp thương mại theo định hướng TOEIC do bộ môn tiếng Anh thuộc Ban ngoại ngữ xây dựng để nâng cao kiến thức và kỹ năng Anh ngữ. Điểm thi các học phần tiếng Anh vẫn được tính vào điểm trung bình môn để xét kết quả học tập, xét chuyên ngành, xét học bổng của SV trong quá trình học. Thạc sĩ Võ Đình Phước, Trưởng ban ngoại ngữ trường này chia sẻ: “Ban giám hiệu và Ban chủ nhiệm khoa đã căn cứ vào nhu cầu cũng như tình hình thực tế để áp dụng mức chuẩn ngoại ngữ đối với SV. Đến nay, nhà trường đã áp dụng được vài năm và nhận thấy sự thay đổi ý thức rõ rệt ở SV trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ để đáp ứng được yêu cầu của nhà trường cũng như chuẩn bị cho tương lai của mình sau khi tốt nghiệp”.
Chạy đua lấy chứng chỉ ngoại ngữ
Mỗi trường ĐH đều có một ban ngoại ngữ riêng để biên soạn và tổ chức giảng dạy, do đó, chuẩn đầu ra ở mỗi trường cũng khác nhau. Điều này khiến một số SV phải lo kiếm chứng chỉ ngoại ngữ ở bên ngoài để đối phó. Từ đó, xảy ra hiện tượng SV tìm đến các trung tâm ngoại ngữ để “hợp thức hóa” theo kiểu “học giả bằng thật”.
Vừa qua, Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM đã giải quyết rất nhiều đơn từ của SV thắc mắc: “Tại sao các SV học ngoại ngữ ở Trung tâm Đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chứng nhận của ĐHQG TP.HCM hẳn hoi vẫn không được nhà trường xét đủ điều kiện tốt nghiệp?”. Sau khi nhà trường “cứng rắn” không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ do trung tâm này cấp, hàng chục SV phải gấp rút đăng ký thi lại môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, theo lời thầy N.V.T (giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM): “SV đăng ký thi tại Trung tâm Đào tạo phát triển nguồn nhân lực có tỷ lệ đậu tới 99%, nhưng khi về trường thi, con số này chỉ là 10%”.
Cùng với việc tìm trung tâm ngoại ngữ “dễ lấy bằng”, nhiều SV còn mua chứng chỉ hay nhờ người đi thi hộ với những hình thức rất tinh vi. Lý giải về việc SV mua chứng chỉ ngoại ngữ, thầy Phạm Tấn Hạ bức xúc: “Ý thức kém, không chịu học hỏi, chờ khi nước đến chân mới nhảy thì làm sao có thể nhận được chứng chỉ này hoặc bằng cấp nọ. Không có kiến thức thì dù có-làm-gì cũng khó đạt được những chứng chỉ do nhà trường quy định. Trong thời gian qua, nhà trường có phát hiện ra một vài hiện tượng dùng chứng chỉ hay bằng cấp giả và đã xử lý nghiêm minh, kịp thời”.
Xã hội vẫn coi trọng bằng cấp, chính vì thế, không ít SV của các trường ĐH tìm đến các trung tâm ngoại ngữ với tâm lý xem nhẹ chất lượng giảng dạy và đặt nặng vấn đề – “học có dễ lấy bằng hay không?”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Sau bài viết này, Giáo Dục TP.HCM mở diễn đàn “Sinh viên yếu ngoại ngữ: vì sao?”. Tòa soạn mong nhận được các ý kiến đóng góp, chia sẻ của bạn đọc là các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo, sinh viên, học sinh. Ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: 300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM hoặc email: tantruc_tg@yahoo.com.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)