Samsung từng gây chấn động với Note10 sạc đầy pin trong một tiếng, nhưng ngay sau đó, Oppo ra smartphone Reno Ace sạc 100% trong 30 phút.
Cuối năm 2018, F9 là smartphone dưới 10 triệu đồng đầu tiên của Oppo được trang bị sạc nhanh VOOC. Nhưng sang năm 2019, riêng nhà sản xuất này đã có 6 model được trang bị tính năng này, trải từ tầm giá thấp – 5 triệu đồng – tới trên 10 triệu đồng.
Samsung, hãng điện thoại có thị phần lớn nhất thị trường, cũng không bỏ qua xu hướng này. Đầu 2019, Galaxy M20 là smartphone tầm trung đầu tiên của nhà sản xuất Hàn Quốc có sạc nhanh. Nhưng chỉ sau nửa năm, số lượng đã lên tới cả chục mẫu.
Tính năng này cũng đã trở thành điểm nhấn để cạnh tranh của nhiều sản phẩm phổ thông, giá thấp, như Xiaomi Redmi 8A, Vsmart Joy 2+ hay Nokia 5.1 Plus giá xấp xỉ 3 triệu đồng.
Sạc nhanh không chỉ có trên smartphone cao cấp.
Công nghệ pin gần như không có đột phá trên điện thoại thông minh suốt thập kỷ qua. Nâng cấp chủ yếu vẫn là về dung lượng. Pin lớn hơn đồng nghĩa với thời gian sạc sẽ dài hơn. Vì thế, rút ngắn thời gian sạc trở thành cuộc đua nhằm cải thiện khả năng sử dụng pin trên smartphone của nhiều nhà sản xuất.
Nạp 50% dung lượng pin trong 30 phút là điều mà công nghệ sạc nhanh đã làm được từ nhiều năm qua. Nhưng để sạc đầy pin hoàn toàn, nhiều máy vẫn mất 2 tiếng. Thời gian rút ngắn cho việc nạp đầy 100% không gọn được bao nhiêu.
Cuối 2018 và đầu 2019, cuộc đua rút ngắn thời gian sạc pin mới thực sự gay cấn. Oppo đưa về thị trường mẫu R17 Pro không có cấu hình mạnh nhất trong phân khúc cao cấp, nhưng lại có thể nạp đầy 100% pin trong chưa đầy 40 phút nhờ công nghệ sạc VOOC 3.0.
Giữa 2019, Samsung tung ra Galaxy Note 10+ với khả năng sạc pin nhanh nhất từ trước đến nay: hỗ trợ sạc 25 W và lên tới 45 W, công suất ngang với laptop. Thời gian nạp đầy 100% vì thế rút ngắn chỉ còn 1 giờ.
2019 cũng là năm đầu tiên Apple trang bị bộ sạc nhanh với iPhone. Bộ đôi iPhone 11 Pro và 11 Pro Max đi kèm với sạc 18 W và dây cable USB-C Lightning, thay vì sạc 5 W như các thế hệ trước.
Tuy nhiên, trong cuộc đua này, Samsung và Apple vẫn không bằng các đối thủ Trung Quốc. Chỉ một tháng sau khi Note 10 ra mắt, Huawei tung ra Mate 30 Pro hỗ trợ sạc nhanh 40 W. Thậm chí, model này còn có khả năng sạc không dây 27 W, cao hơn cả công suất sạc với dây trên iPhone 11 Pro và 11 Pro Max.
Tới giữa tháng 10, Oppo tiếp tục cuộc đua với Reno Ace. Chỉ trong 30 phút, mẫu smartphone này có thể nạp đầy 100% pin dung lượng 4.000 mAh. Công suất của bộ sạc nhanh VOOC thế hệ mới được đẩy lên tới 65 W, tương đương các dòng máy tính hiệu năng cao như MacBook Pro.
Cuộc chạy đua về sạc nhanh trên smartphone vẫn chưa dừng lại. Gần cuối tháng 11 vừa rồi, Xiaomi giới thiệu công nghệ Super Charge Turbo với kết quả vượt cả VOOC của Oppo. Với công suất 100 W, công nghệ này sạc một chiếc điện thoại pin 4.000mAh lên 60% trong 8 phút, sạc đầy trong 17 phút – nhanh nhất thế giới. Điểm tiếc nuối là smartphone của Xiaomi phải tới năm 2020 mới được thương mại hoá.
Với công nghệ sạc nhanh, việc tăng dung lượng pin lên để kéo dài thời gian sử dụng thêm một hay hai giờ không còn cần thiết. Bởi giờ, chỉ cần cắm sạc một tiếng, smartphone đã có thể dùng cả ngày.
Sạc nhanh trên smartphone chưa có tiêu chuẩn và giữa các hãng thiếu sự tương thích.
Tuy nhiên, cuộc đua về sạc nhanh cũng sinh ra những điều bất tiện. Thay vì một chuẩn thống nhất, mỗi nhà sản xuất tự đưa ra cho mình một công nghệ riêng. Oppo có VOOC, Samsung dùng Fast Charge còn Huawei là Super Charge. Cùng chung dây cable và cổng kết nối USB-C, nhưng chúng lại không tương thích với nhau.
Ngay cả với iPhone, để có thể sử dụng sạc nhanh, người dùng cần dây cable USB-C Lightning kiểu mới chứ không phải dây cable Lightning truyền thống. Chi phí bỏ ra cho các bộ sạc nhanh của Apple cũng không rẻ, thường từ vài trăm tới cả triệu đồng.
Tuấn Anh (theo vnexpress)
Bình luận (0)