Mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh vào năm 2025 song song với thúc đẩy sử dụng thiết bị đầu cuối thông minh 4G, 5G đã kéo theo cuộc đua của các hãng sản xuất thiết bị di động 5G
Do chưa phổ biến nên hiện vẫn chưa nhiều người tiêu dùng thực sự quan tâm đến các dòng điện thoại di động thông minh (smartphone) 5G.
Nền tảng cho kinh tế số
Theo Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – Phần truy nhập vô tuyến", từ ngày 1-7, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Như vậy, Việt Nam sẽ dừng sản xuất tại chỗ cũng như nhập khẩu điện thoại 2G, 3G. Việc này nhằm đặt nền tảng để các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam có thể xem xét phương án dừng công nghệ di động thế hệ cũ, góp phần thực hiện mục tiêu kép đã đề ra trong "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Nhiều mẫu điện thoại 5G được bày bán trên thị trường
Đón đầu xu hướng này, nhiều hãng điện thoại đã cho ra đời các dòng máy tích hợp 5G trải từ phân khúc tầm trung đến cao cấp. Chẳng hạn, HMD Mobile (sở hữu thương hiệu Nokia) cho ra mắt thế hệ thiết bị di động mới trang bị nền tảng phù hợp với nhu cầu phủ sóng 4G, 5G tại Việt Nam. Trong đó, Nokia X10 chính thức mở bán ngày 3-7 được trang bị nền tảng Qualcomm® Snapdragon™ 480 5G và hệ điều hành AndroidTM 11, Nokia C01 Plus phù hợp với hạ tầng mạng 4G, còn Nokia 110 4G và Nokia 105 4G là 2 chiếc điện thoại phổ thông chuẩn 4G thế hệ mới được sản xuất tại Việt Nam. "Năm 2021 đánh dấu sự thử nghiệm rộng rãi mạng 5G của các nhà mạng lớn và sự sẵn sàng trong phổ cập 4G theo tinh thần của Thông tư 43/2020/TT-BTTTT, hướng tới mục tiêu thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Đặc điểm chung ở các sản phẩm trong đợt ra mắt này chính là sự nâng cấp công nghệ phù hợp với xu thế chuyển dịch hạ tầng viễn thông tại Việt Nam trong thời gian tới" – đại diện HMD Mobile thông tin.
Đại diện hãng ASUS cho biết ở thị trường Việt Nam, hãng này tập trung phân phối dải sản phẩm điện thoại dành cho "game thủ". Mới nhất là dòng sản phẩm ROG Phone 5 hỗ trợ 5G và tương lai sẽ là các thế hệ tiếp theo của ROG Phone. ASUS cũng đang tích cực làm việc với các nhà mạng tại thị trường Việt Nam để mở tính năng 5G cho người dùng. "Trong lĩnh vực điện thoại, ASUS không đi theo nhu cầu của thị trường phổ thông vốn đã có quá nhiều sự cạnh tranh mà tìm hướng mới thông qua việc mở ra trào lưu "gaming phone" bằng việc cung cấp sản phẩm cấu hình mạnh, hiệu năng cao, khả năng thiết lập đồ họa trò chơi cực đại, pin khỏe… ASUS xác định đây hiện là thị trường hẹp nhưng nhiều tiềm năng" – đại diện hãng này thông tin.
Thị trường còn ghi nhận sự có mặt của hàng loạt dòng smartphone hỗ trợ kết nối 5G của các hãng điện thoại tên tuổi như Samsung, Oppo, Apple, Vivo, Xiaomi…
Chưa bỏ sóng 2G, 3G
Dưới góc độ thị trường, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop, nhìn nhận Thông tư 43/2020/TT-BTTTT có tác động chủ yếu đến các hãng sản xuất và đơn vị nhập khẩu. Còn với những đơn vị bán lẻ như FPT Shop, chỉ cần chuẩn bị kế hoạch trữ hàng bảo đảm kinh doanh liên tục tất cả nhóm sản phẩm 2G, 3G và kế hoạch thúc đẩy thay thế dần smartphone 4G trong tương lai. "Dừng nhập khẩu điện thoại 2G, 3G không đồng nghĩa với việc sản phẩm không sử dụng được tại Việt Nam. Trước mắt, các sản phẩm này vẫn đang và sẽ được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường cho đến khi có hướng dẫn mới. Chúng tôi đã trữ sẵn một lượng smartphone 2G, 3G đủ cung cấp cho khách hàng trong cả năm tới bên cạnh việc bán bổ sung các sản phẩm smartphone 4G trong dài hạn" – ông Kha nói và khẳng định điện thoại 2G, 3G sẽ còn hiện diện trên thị trường trong nhiều năm nữa.
Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, dù điện thoại 5G trên thị trường khá phong phú và có giá bán chênh lệch không quá nhiều so với điện thoại thông thường nhưng đa phần người tiêu dùng hiện vẫn chọn điện thoại thông thường. Chỉ một số khách hàng có nhu cầu sở hữu smartphone cao cấp mới chú ý đến mạng 5G vì đây là nhu cầu trong tương lai.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, quản lý hệ thống Minh Tuấn Mobile, nhìn nhận tuy có một bộ phận người dùng đã bắt đầu chú ý đến các mẫu điện thoại 5G nhưng điện thoại 3G, 4G vẫn là sự lựa chọn phổ biến bởi đa phần khách hàng chưa yêu cầu quá cao về tốc độ truy cập mà chỉ cần sự ổn định.
Phụ trách ngành hàng Viễn thông Di động hệ thống Thế Giới Di Động, ông Phùng Ngọc Tuyên, nhận định người tiêu dùng Việt luôn quan tâm đến yếu tố giá cả. Do vậy, nếu giá smartphone 5G không chênh lệch quá nhiều so với dòng 4G thì chắc chắn khách hàng sẽ chọn dòng 5G và ngược lại. "Hiện sóng 4G còn chưa "mượt", chưa được phủ toàn bộ. Nhiều khả năng sóng 5G cũng chưa thực sự ổn định để khách hàng tin dùng trong thời điểm này. Do đó, chắc chắn không thể bỏ sóng 2G, 3G trong thời gian tới. Về dài hạn, để khách hàng lựa chọn dòng máy hỗ trợ 5G, dịch vụ này phải bảo đảm cung cấp sóng khỏe, ổn định" – ông Tuyên nhấn mạnh.
Nhu cầu smartphone 4G, 5G sẽ tăng sau 1-3 năm
Hãng nghiên cứu thị trường GfK đưa ra số liệu trung bình mỗi năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ trên 20 triệu máy điện thoại.Trong đó, smartphone chiếm khoảng 60% và 40% là điện thoại phổ thông.
Khi Thông tư 43/2020/TT-BTTTT có hiệu lực, số lượng máy điện thoại phổ thông chỉ hỗ trợ 2G, 3G sẽ giảm mạnh trong khoảng 1-3 năm tới. Bởi vì với vòng đời của thiết bị khoảng 3 năm, chỉ trong một thời gian không xa, sau khi các nhà bán lẻ đã tiêu thụ hết số lượng điện thoại 2G, 3G dự trữ, người tiêu dùng sẽ không còn cơ hội tiếp cận các dòng máy này. Khi nguồn cung thiết bị điện thoại phổ thông giảm đáng kể, nhu cầu chuyển đổi sang smartphone 4G, 5G sẽ tăng.
|
Gia Hưng (theo NLĐ)
Bình luận (0)