Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Smartphone “tấn công” HS tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, học sinh (HS) tiểu học sử dụng điện thoại di động thông minh  (smartphone) rất nhiều. Mặc dù các trường có quy định cấm HS mang điện thoại đến trường nhưng tuần nào cũng có em mang vào lớp.

Giờ học, giờ làm bài, HS ngồi rất im lặng, nếu giáo viên (GV) không để ý quan tâm thì sẽ không biết được các em đang để điện thoại dưới hộc bàn hay trên mặt bàn nhưng dùng sách, tập che lại để chơi trò chơi hay lên mạng… Họp phụ huynh ngay từ đầu năm, GV luôn nhắc nhở phụ huynh không cho con em mang điện thoại đến trường vì các em sẽ mê chơi không tập trung học. Nhiều phụ huynh nêu lý do là để liên hệ với con em khi cần thiết. Lý do này không chính đáng. Bởi HS tiểu học luôn được cha mẹ, ông bà đưa đón. Nếu có gì cần thiết, phụ huynh có thể gọi cho GV, cho văn phòng trường. Và HS có việc gì cần, GV sẽ gọi cho phụ huynh. Thế nhưng, những lời giải thích của GV dường như không có tác dụng. Không như phụ huynh nói, HS tiểu học chủ yếu sử dụng điện thoại để chơi. Những năm gần đây, HS dường như không còn thích chơi các trò chơi vận động. Mặc dù trường học thường tổ chức các trò chơi vận động trong những dịp lễ hội, nhưng dường như các trò chơi ấy không còn thu hút HS nữa.

Vừa qua, trường tôi có tổ chức nhiều trò chơi để HS tham gia như đi cầu khỉ, chuyền bóng, chui ống, lựa đậu, xỏ kim… Mãi lo quản lý các trò chơi ngoài sân, lát sau, tôi phát hiện HS lớp mình chủ nhiệm chỉ thấy loáng thoáng vài em tham gia trò chơi. Tôi hỏi một em là các bạn lớp mình đâu, em ấy trả lời ở trong lớp. Ngạc nhiên, tôi vào lớp thì đúng như vậy, HS lớp tôi tụm từng nhóm quanh chiếc điện thoại. Các em say mê đến độ tôi vào khá lâu và chụp hình mà vẫn không hay biết, đến khi tôi cất tiếng các em mới giật mình và chạy ra sân chơi. Trên sân trường có vẽ sẵn ô để HS chơi lò cò, chơi ô ăn quan…, nhưng giờ chơi gần như chẳng có em nào chơi. Đa số các em tụ tập thành nhóm để nói về các game, bàn luận về facebook hay chơi game, facebook trên điện thoại của một HS nào đó mang theo. Khi GV đến gần thì các em giải tán, giấu điện thoại.

Với vai trò là GV tư vấn học đường, tôi đã khảo sát nhanh một lớp 5 có 35 HS. Theo đó, 20/35 HS có điện thoại di động riêng; 24/35 HS có facebook; 12/35 HS có sử dụng zalo. Các em sử dụng máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động chủ yếu để chơi game, vào facebook, xem phim, nghe nhạc… Những HS không có điện thoại riêng thì thường sử dụng các thiết bị công nghệ để chơi khoảng 2 giờ/ngày. Những em có điện thoại riêng thì sử dụng ít nhất 4 giờ/ngày. Thứ bảy, chủ nhật, các em sử dụng thiết bị công nghệ tối thiểu 4 giờ/ngày; những em có điện thoại riêng sử dụng tối thiểu 8 giờ/ngày. Các em còn cho biết thường vừa ăn vừa lướt điện thoại, chỉ dừng lướt khi điện thoại hết pin.

Kết quả khảo sát nhanh đã làm tôi thật sự lo ngại. Giờ đây, HS không còn tập trung trong giờ học; các em không còn thích chơi các trò chơi dân gian, hay trò chơi vận động dù nhà trường thường tổ chức và luôn đổi mới để thu hút HS. Game và facebook đã làm các em nghiện từ nhà để rồi đến trường cũng nhớ, cũng nghĩ về nó. Đó là chưa kể đến nguy cơ các em gặp phải khi tham gia các mạng xã hội.

Để HS tiểu học tập trung hơn trong học tập, yêu thích các trò chơi vận động nhằm phát triển thể chất, tinh thần phù hợp với lứa tuổi của mình, tôi nghĩ cần lắm sự hợp tác nhiệt tình từ phụ huynh. Phụ huynh phải làm sao để con em dần rời xa điện thoại, máy tính bảng…, hay ít ra cũng cương quyết không cho mang theo khi đến trường. Đừng để điện thoại “tấn công” làm các em ngày càng đắm chìm trong thế giới ảo đầy tác hại.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)