Hội nhậpThế giới 24h

Snowden – Đào ngũ hay phản bội?

Tạp Chí Giáo Dục

Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Afghanistan là các mục tiêu quan trọng bậc nhất đối với tình báo Mỹ

Phát biểu trên kênh truyền hình CBS hôm 11-8, tướng không quân 4 sao về hưu Michael Hayden, cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã tuyên bố cựu nhân viên tình báo Edward Snowden, người tiết lộ những bí mật chương trình theo dõi điện tử của Mỹ, không phải là kẻ phản bội.

Tướng về hưu Michael Hayden gọi Edward Snowden là “kẻ đào ngũ” Ảnh: NEWSBUSTERS.ORG
Như “thảm họa Katrina”
“Có một từ chúng ta vẫn thường sử dụng để nói về người lợi dụng công việc và đánh cắp các bí mật của chúng ta rồi chuyển đến một quốc gia khác cùng với các bí mật đó và công bố chúng. Đó không phải là “người thổi còi” mà là “kẻ đào ngũ”. Thực vậy, tôi nghĩ rằng đó là từ chính xác dành cho Snowden” – ông Hayden nói.
Ông Hayden nhấn mạnh rằng ông không coi Snowden là kẻ phản bội. Theo ông, khái niệm “kẻ phản bội” trong Hiến pháp Mỹ được định nghĩa rất tỉ mỉ. Trong trường hợp này, từ “kẻ đào ngũ” thích hợp hơn.
Ngoài ra, ông Hayden so sánh hành động tiết lộ thông tin mật của Snowden với thảm họa thiên nhiên, như bão Katrina đã tàn phá miền Đông Nam nước Mỹ năm 2005 và trở thành trận thiên tai gây thiệt hại lớn nhất lịch sử nước này kể từ trận động đất tại San Francisco năm 1906. Ông nhấn mạnh sau thảm họa Katrina, người Mỹ đã xây dựng những con đập vững chắc hơn và đó là một hệ quả tích cực bên cạnh những mất mát.
Tướng Hayden cũng bàn luận về cuộc họp báo hôm 9-8 của Tổng thống Barack Obama khi ông đề xuất cải cách hành động giám sát của NSA để dập tắt nỗi lo ngại của công chúng. Vị tướng về hưu hóm hỉnh nhận xét điều thú vị nằm ở những điều mà tổng thống không nói ra. “Ông ấy không hề nói sẽ thay đổi chương trình này mà chỉ nói chế độ giám sát hoàn toàn tốt đẹp, rằng không hề có sự lạm dụng dưới thời ông và vị tiền nhiệm của mình”.
Danh sách bí mật
Trong khi đó, tạp chí Đức Spiegel đưa tin những mục tiêu quan trọng bậc nhất đối với tình báo Mỹ là Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Afghanistan. Thông tin này nằm trong danh sách bí mật được NSA công bố tháng 4-2013 và được Snowden tiết lộ sau này.
Danh sách trên còn có Đức và Liên hiệp châu Âu (EU). Đức được xếp hạng có tầm quan trọng trung bình, cùng mức độ với Pháp và Nhật Bản nhưng đứng trên Ý và Tây Ban Nha. Đáng tiếc là tạp chí Spiegel đã không công bố đầy đủ danh sách các mục tiêu theo dõi của Mỹ với mức độ ưu tiên khác nhau.
Theo Spiegel, các khu vực khác nhau cũng có những ưu tiên theo dõi khác nhau đối với tình báo Mỹ. Chẳng hạn ở Đức, các vấn đề chính sách đối ngoại và sự ổn định kinh tế được xếp ở mức độ ưu tiên 3; còn hoạt động xuất khẩu vũ khí sang các nước vùng Vịnh, công nghệ mới và giao thương quốc tế ở mức 4. Trong khi đó, hoạt động phản gián và tiềm lực thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ chỉ được xếp ở mức 5.
Những tài liệu Snowden tiết lộ đã gây ra phản ứng dữ dội khắp thế giới. Nay danh sách nêu trên chắc chắn sẽ khiến các nước phẫn nộ hơn nữa. Sự thực là chính quyền Mỹ đã hết sức “đau đầu” và cảm thấy “mất mặt” khi Snowden được phép tị nạn tạm thời ở Nga cho đến ngày 31-7-2014. Anh ta sẽ không bị gửi trả về Mỹ ngay cả khi có yêu cầu chính thức từ Washington. Thêm vào đó, ông Lon Snowden, cha của “kẻ đào ngũ”, đã được cấp thị thực nhập cảnh Nga để gặp con trai. Ông dự định sẽ đến Nga trong tháng 8 này.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)