Gánh nặng sổ sách với những quy định cứng nhắc phải làm theo mẫu là một trong vô số điều giáo viên các trường phổ thông kêu ca thời gian qua. Chỉ riêng việc vào điểm cho học sinh đã chiếm phần lớn thời gian của giáo viên.
Giáo viên ở Hà Nội dự tập huấn về sổ điểm điện tử – Ảnh: V.Hà |
Năm học 2016-2017, Hà Nội quyết tâm thực hiện, áp dụng rộng rãi việc sử dụng sổ điểm điện tử thay thế sổ sách giấy.
Ủng hộ nhưng vẫn băn khoăn
Với phần mềm sẽ được đưa vào sử dụng trong hệ thống trường học, giáo viên có thể cập nhật điểm cho học sinh vào sổ điểm điện tử.
Hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đang hoàn thiện những khâu cuối cùng của phần mềm và xây dựng quy trình bắt buộc để các nhà trường áp dụng. Mỗi học sinh sẽ có mã số tài khoản riêng.
Phụ huynh ngồi nhà có thể truy cập vào tài khoản của con mình để kiểm tra điểm số. Việc nhập điểm cho học sinh sẽ được thực hiện theo quy định thống nhất hằng tuần hay tháng.
Một số phụ huynh đang có con học Trường THCS Đống Đa, THPT Thăng Long, Việt Đức đã bày tỏ với Tuổi Trẻ rằng họ ủng hộ việc này.
“Nếu quy trình chặt chẽ, khoa học, tôi nghĩ việc cho điểm học sinh sẽ chính xác, công bằng, nhất là khi dữ liệu điểm được công khai. Học sinh, phụ huynh đều có thể theo dõi thường xuyên” – chị Phạm Thu Hà, có con học lớp 8 Trường THCS Đống Đa, chia sẻ.
Khá nhiều giáo viên, nhất là giáo viên bậc THCS, hào hứng với sổ điểm điện tử.
“Một lớp có 50-55 học sinh, giáo viên dạy văn như tôi chỉ cần dạy 2 lớp thì việc chấm điểm, vào điểm đã quá tải vì theo quy định, một học kỳ môn văn phải có ít nhất 4 lần kiểm tra. Ngoài kiểm tra một tiết còn có kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng, kiểm tra cuối kỳ… Chỉ ngồi vào điểm cho khoảng 100 học sinh/lần cũng quá mệt mỏi. Nếu có sổ điểm điện tử, chúng tôi thật sự được cởi trói” – một giáo viên Trường THCS Chu Văn An chia sẻ.
Một hiệu trưởng THCS ở Hà Nội cũng nói về thực trạng sổ điểm giấy: “Mỗi lớp chỉ có một sổ điểm cái. Bậc THCS có 13 môn học. Để vào điểm sổ cái, giáo viên bộ môn phải xếp hàng chờ tới lượt. Sau khi giáo viên bộ môn cho điểm xong, giáo viên chủ nhiệm mới kiểm tra xếp loại học lực. Nếu chỉ một giáo viên nhầm lẫn, điểm số sẽ phải sửa lại, rất mất thời gian”. Đây cũng là lý do mà chủ trương sổ điểm điện tử đưa ra được ủng hộ ngay.
Tuy nhiên, băn khoăn cũng không ít. Một phụ huynh có con học lớp 12 Trường THPT Việt Đức lo lắng: “Sổ điểm điện tử có thể điều chỉnh, thay đổi dễ dàng. Liệu như vậy có đảm bảo công bằng không? Nhất là ở lớp cuối cấp THPT có thể xảy ra việc phụ huynh nhờ giáo viên sửa điểm cho đẹp để con đi du học hoặc xin học bổng vào các trường có chương trình quốc tế tại VN”.
Cô Việt Hiền, hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, ủng hộ sổ điểm điện tử vì “giảm lao động không cần thiết cho giáo viên khi vào điểm bằng tay nhiều lần trong một học kỳ”.
Tuy nhiên, cô Hiền cũng bày tỏ băn khoăn: “Có những tình huống khi dạy học giáo viên phải linh hoạt. Ví dụ, một học sinh bị ốm nên không làm tốt bài kiểm tra. Trường hợp này giáo viên có thể cho phép học sinh làm một bài kiểm tra khác để gỡ điểm. Nhưng với sổ điểm điện tử, khi nhập điểm xong, điểm số này được “khóa” cứng lại thì việc cho học sinh gỡ điểm sẽ không đạt được. Việc này không chỉ thiệt thòi cho học sinh mà còn thiếu sự nhân văn trong việc khích lệ học sinh cố gắng”.
Nhiều giáo viên bậc THCS cũng lo lắng và chưa tin tưởng vào hạ tầng công nghệ thông tin của các trường có thể hỗ trợ tốt sổ điểm điện tử. “Nếu xảy ra một trục trặc nào đó, dữ liệu điểm mất sạch, khi đó phải làm thế nào?” – một giáo viên Trường THCS Nghĩa Tân băn khoăn.
Đã lường trước mọi sự cố?
Theo ông Nguyễn Trọng Cường – trưởng phòng khoa học – công nghệ Sở GD-ĐT Hà Nội, từ hai năm học gần đây các nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện việc lập biểu mẫu, báo cáo định kỳ và đưa vào hệ thống quản lý thông tin của ngành GD-ĐT Hà Nội.
Hà Nội cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc chỉ đạo, hướng dẫn, trao đổi, họp trực tuyến và triển khai đại trà sổ liên lạc điện tử kết nối giữa nhà trường với phụ huynh. Đó là những bước chuyển để tiến tới việc quản lý công tác chuyên môn bằng công nghệ thông tin.
Trước khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tập huấn cho 2.000 giáo viên của 2.000 trường học về sử dụng, quản lý sổ điểm điện tử. Việc áp dụng sổ điểm điện tử sẽ thực hiện trước với các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trao đổi về băn khoăn trong việc có thể xảy ra tiêu cực với sổ điểm điện tử, ông Cường khẳng định việc sửa điểm, chữa điểm trên hệ thống sổ điểm điện tử đòi hỏi các quy trình bắt buộc. Quá trình sửa, bổ sung đó sẽ được lưu lại toàn bộ dấu vết trên hệ thống.
“Dữ liệu điểm của các trường được quản lý tại máy chủ ở trung tâm thông tin của ngành. Nên nếu xảy ra tiêu cực, khuất tất sẽ phát hiện ngay” – ông Cường cho biết.
Ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, cho rằng bỡ ngỡ là việc đương nhiên, nhưng không phải vì thế mà dừng lại một chủ trương đúng nhằm giảm tải cho giáo viên, để giáo viên không sa đà vào các công việc mang tính hành chính.
“Hạ tầng kỹ thuật tốt, tập huấn kỹ cho đội ngũ quản lý, giáo viên là hai yếu tố cần để thực hiện thành công sổ điểm điện tử” – ông Vũ trao đổi.
VĨNH HÀ/TTO
Bình luận (0)