Các ngân hàng đang chạm mặt nhau trên từng con đường trong cuộc chiến mở rộng mạng lưới nhằm tăng thị phần.
Ngân hàng nội thay da đổi thịt
Sản phẩm dịch vụ ngân hàng cung cấp ngày càng đa dạng. Trước năm 2007, các ngân hàng còn xa lạ với các dịch vụ như internet banking, home banking, SMS banking, mobile banking, ví điện tử, thẻ tín dụng… nhưng đến nay, hầu hết các ngân hàng nội đều có các tiện ích này. Sự kiện mới nhất là việc liên thông hệ thống máy ATM và máy cà thẻ (POS) để 28,5 triệu chủ thẻ giao dịch ở bất cứ ATM nào là một nỗ lực lớn của hệ thống ngân hàng với sự hỗ trợ của công nghệ.
Sản phẩm dịch vụ ngân hàng cung cấp ngày càng đa dạng (ảnh minh hoạ). Ảnh: Lê Quang Nhật
Bên cạnh đó, các dịch vụ đòi hỏi có quy trình quản lý và công nghệ như bao thanh toán, bảo lãnh, quản lý dòng tiền, các sản phẩm phái sinh… cũng được tung vào thị trường. Các ngân hàng trong nước hàng đầu đã sử dụng thuần thục các công cụ tiền tệ chiết khấu, tái chiết khấu, chuyển nhượng giấy tờ có giá để đa dạng hoá hoạt động kinh doanh.
Từ đó, cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng thay đổi hẳn so với trước đây. Hoạt động tín dụng của các ngân hàng trước thường chiếm 90% tổng doanh thu, nay thu từ dịch vụ của nhiều ngân hàng có năm chiếm đến 30 – 50%.
“Các ngân hàng nội đã và đang thay da đổi thịt, đầu tư công nghệ và quy trình quản lý, thể hiện qua các sản phẩm dịch vụ đa dạng”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận xét. Tuy nhiên, do sản phẩm còn chưa mang tính công nghệ cao, nên các ngân hàng sao chép nhau dễ dàng. Hầu như chưa có ngân hàng nào tạo lập được thương hiệu sản phẩm dịch vụ, trừ một vài đột phá, như chuyển khoản online ở ACB đến 2 tỉ đồng/ngày (ngân hàng khác vài chục đến vài trăm triệu đồng), ATM lưu động của ngân hàng Đông Á…
Các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn đang loay hoay tìm vốn đầu tư công nghệ, dẫn đến chỉ việc rút tiền của người tiêu dùng có thể mất 30 – 45 phút, trong khi ở các ngân hàng lớn chỉ cần năm đến mười phút.
Khác biệt ở ngân hàng ngoại
Từ cuối năm 2007 đã thấy những tiểu thương bước vào ngân hàng HSBC vay tiêu dùng. Trong khi các ngân hàng nội đòi phải có hộ khẩu thành phố, ngân hàng nước ngoài chỉ cần giấy đăng ký tạm trú. Những quy định thoáng hơn này đã giúp tên tuổi HSBC, ANZ, Standard Chartered… càng quen thuộc với người dân, nhất là khi họ đi vào hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài từ năm 2009.
Các ngân hàng ngoại tăng cường mở rộng mạng lưới ra các tỉnh lân cận, và đưa ra nhiều sản phẩm khác biệt, như sản phẩm đầu tư tiền gửi song tệ ở HSBC hay ANZ, gói HSBC Premier mang đến cả chục tiện ích toàn cầu, thẻ tín dụng du lịch ở Citibank… Những dịch vụ mang tính lợi thế quốc tế này hầu như vắng bóng ở các ngân hàng trong nước. Khi mạng ATM vừa được liên thông đã có mặt CommonWealth (Úc), ANZ, và dự kiến đầu năm nay là Citibank.
Các ngân hàng ngoại lợi thế hơn ngân hàng nội trong phát triển các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, kinh doanh vốn và thị trường ngoại hối, thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng. Năm qua họ phát huy thế mạnh khi thu xếp các khoản tín dụng lớn, phát hành trái phiếu quốc tế cho các tập đoàn, với tham vọng tăng thị phần tín dụng ở khối doanh nghiệp trong nước.
Ai sẽ hơn ai?
Theo ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/10/2010, Việt Nam có 71 tổ chức tín dụng nước ngoài và 48 văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài. Tổng tài sản của khối này đạt trên 420 ngàn tỉ đồng, tăng 30,8% so với cuối năm 2009, chiếm 11,25% tổng tài sản của toàn hệ thống. Nguồn vốn huy động đạt gần 364 ngàn tỉ đồng, tăng 33,8%; dư nợ cho vay khách hàng mười tháng đầu năm đạt trên 230 ngàn tỉ, tăng 26%, chiếm 10,77% so với toàn hệ thống. |
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, kể từ 1/1/2011, các ngân hàng nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng như các ngân hàng nội. Mọi hạn chế về số ngân hàng, tổng giá trị giao dịch, nhận tiền gửi và cho vay… sẽ không còn sự phân biệt. Ngoài năm ngân hàng 100% vốn ngoại hiện nay, trên bàn làm việc ngân hàng Nhà nước còn nhiều hồ sơ xin thành lập ngân hàng vốn ngoại khác đang chờ phê duyệt.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc ngân hàng Eximbank, các ngân hàng trong nước đã phát triển mạng lưới, đã được trui rèn qua hai cơn khủng hoảng tài chính thế giới 1997 – 2008, cơ bản đáp ứng tỷ lệ nợ xấu, cơ cấu lại tài chính, tăng năng lực tài chính, ứng dụng công nghệ vào hoạt động, tìm đối tác chiến lược để hợp tác và phát triển.
Các ngân hàng ngoại cũng đã có thời gian thâm nhập địa phương.
Theo ông Bùi Kiến Thành, các ngân hàng trong nước có thể vẫn chưa thấy hết nguy cơ tiềm ẩn khi các “võ sĩ” ngoại còn chưa tung hết chiêu.
Bình luận (0)