Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị trường không lợi dụng điều lệ trong Thông tư 55 để vận động tài trợ

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM nhắc nhở các trường không xây dựng kế hoạch vận động tràn lan, gây ảnh hưởng đến phụ huynh học sinh và nhà trường.

Lưu ý được ông Trần Khắc Huy nêu ra tại Hội nghị góp ý kế hoạch trường học bậc THPT năm học 2024-2025 của Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 25-9.

Ông Huy nêu thực tế, hiệu trưởng nhà trường rất dễ lẫn lộn Thông tư 16/2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục và Thông tư 55/2011 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, dẫn đến việc phụ huynh phản ánh lạm thu.

Học sinh TP.HCM trong lễ khai giảng năm học 2024-2025

Ông đề nghị nhà trường nghiên cứu kỹ lưỡng 2 thông tư trên. Tuyệt đối không lợi dụng điều lệ trong Thông tư 55 để vận động tài trợ. Ban đại diện phụ huynh vận động kinh phí là để có kinh phí hoạt động phục vụ chính học sinh chứ không phải có kinh phí hoạt động cho trường. Nhà trường không dùng ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động thu.

“Các hoạt động muốn làm cho nhà trường thì hiệu trưởng cần áp dụng theo Thông tư 16 vận động tài trợ, có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Và việc vận động chỉ để phục vụ sửa chữa nhỏ và các hoạt động giáo dục thiết thực cho học sinh. Kế hoạch vận động phải được Sở GD-ĐT phê duyệt trước khi nhà trường tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, khi xây dựng kế hoạch vận động thì nhà trường phải có mục tiêu rõ ràng, không xây dựng kế hoạch vận động tràn lan” – ông Trần Khắc Huy nhấn mạnh.

Đối với các khoản thu trong trường học, ông Trần Khắc Huy nêu rõ, trong năm học 2024-2025, ngoài 9 nội dung thu được quy định rõ trong Nghị quyết 13 của HĐND TP thì Sở GD-ĐT TP đã có hướng dẫn tham khảo 17 nội dung thu trong hoạt động nhà trường. Tổng cộng có 26 nội dung thu tương đương như năm học trước.

Ông lưu ý với 26 nội dung thu thì các trường khi triển khai thu cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của sở, thực hiện thu đúng theo tên gọi về khoản thu, không sáng tạo thêm khoản khác để thu.

“Nếu nhà trường thu không đúng theo quy định mà để phản ánh lạm thu, thu sai thì hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm với Giám đốc sở” – ông Huy nêu rõ.

26 khoản thu trường được phép thu trong năm học 2024-2025

Trong 26 khoản thu trường học tại TP.HCM được phép thu trong năm học 2024-2025 bao gồm 9 khoản thu trong Nghị quyết 13 của HĐND TP.HCM và 17 khoản thu theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM. Cụ thể:

9 khoản thu trong Nghị quyết 13 của HĐND TP.HCM, bao gồm: Dịch vụ tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú; Dịch vụ phục vụ ăn sáng (áp dụng mầm non, tiểu học); Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ (bao gồm dịch vụ trông giữ trước và sau giờ học chính khóa, không bao gồm tiền ăn) (áp dụng mầm non); Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ (bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không bao gồm các ngày lễ tết, không bao gồm tiền ăn) (áp dụng mầm non); Dịch vụ nhân viên nuôi dưỡng (phần kinh phí xã hội hóa theo Khoản 2, Điều 1, Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND ngày 23-3-2021 của HĐND thành phố) (áp dụng mầm non); Dịch vụ khám sức khỏe học sinh ban đầu (bao gồm khám nha học đường); Dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh (tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh, chi phí thuê máy lạnh nếu có); Dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Dịch vụ đưa rước trẻ, học sinh bằng xe ô tô.

17 nội dung thu trường học được phép thu theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, bao gồm: Khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác của chương trình nhà trường (khoản thu dạy học 2 buổi/ngày (không bao gồm tiểu học); tiền tổ chức dạy ngoại ngữ, tổ chức dạy tin học (tiểu học có tiền tổ chức dạy hoạt động giáo dục công dân số); Các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án; Các khoản thu cho cá nhân học sinh.

Đặc biệt, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, để thực hiện các nội dung thu đúng, thu đủ, chi đủ, chi đúng thì nhà trường phải xây dựng dự toán cho từng nội dung thu, không phải cứ lấy mức thu tối đa để thu. Trong từng nội dung hoạt động cần xác định bao nhiêu học sinh tham gia thì xây dựng dự toán thu trên mức học sinh, đảm bảo dự toán thu đủ, chi đủ, không để tồn.

YẾN HOA

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)