- 1 Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất phương án sắp xếp bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập khi bỏ phòng GD-ĐT
Ngày 25-4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức về thực hiện định hướng sắp xếp bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn TP.HCM khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại cuộc họp, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất, UBND cấp xã sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học, mầm non; Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục khác.

Đáng chú ý, Sở GD-ĐT đề xuất được trực tiếp tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Đồng thời sẽ quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục.
Cụ thể:
Về đội ngũ nhà giáo, nhân viên: Sở GD-ĐT đề xuất UBND cấp xã trực tiếp quản lý về tổ chức, nhân sự của trung tâm học tập cộng đồng; Chỉ đạo công tác tuyển dụng giáo viên mầm non theo biên chế số lượng người làm việc do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết định số lượng hợp đồng lao động các vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm đủ số lượng người làm việc thực hiện chương trình giáo dục theo quy định.
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo phân cấp công tác sử dụng, quản lý, thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Sở GD-ĐT có nhiệm vụ tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, biên chế công chức của cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; Tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, tổng số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật.
Chủ trì hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền, quy định; chủ trì triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Quyết định công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập.
Về nội dung, chương trình giáo dục: Sở GD-ĐT TP đề xuất UBND cấp xã sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; phối hợp triển khai chương trình GDPT tại địa phương; huy động tối đa người trong độ tuổi đi học để bảo đảm phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ.
Sở GD-ĐT TP có nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ; công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn; hướng dẫn công tác tuyển sinh, thi, cấp, thu hồi giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ, kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Quản lý về chuyên môn đối với việc thực hiện chương trình GDTX của các trung tâm GDTX. Chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý nhà giáo và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc phạm vi quản lý trước HĐND, UBND TP và xã hội.
Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với người có chức danh theo dõi giáo dục thuộc UBND cấp xã…
Về tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục: Sở GD-ĐT TP đề xuất UBND cấp xã quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quản lý.
Chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý nhà giáo và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập theo quy định; kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn. Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh đầu cấp thuộc thẩm quyền.
Sở GD-ĐT có nhiệm vụ tham mưu trình cấp có thầm quyền ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD-ĐT theo quy định.
Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, TH, THCS; trường dành cho người khuyết tật; Lớp dành cho người khuyết tật; trung tâm GDTX, GDNN-GDTX; trường trung cấp, cao đẳng.
Tổ chức quản lý cơ sở GDTX (trừ trung tâm học tập cộng đồng); cơ sở GDNN, THPT và các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn.
Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh, thi, cấp, thu hồi giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ.
Quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường…
Về kiểm tra, thanh tra trong giáo dục: Sở GD-ĐT TP đề xuất UBND cấp xã sẽ thực hiện giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và xử lý vi phạm về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; Sở GD-ĐT sẽ thực hiện giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và xử lý vi phạm về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Vì sao đề xuất phương án trên?
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, phương án trên được đề xuất căn cứ theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn theo thẩm quyền đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tại Công văn số 1581/BGDĐT-GDPT).
Đồng thời thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó đặt ra nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực giáo dục – đào tạo đối với giáo dục mầm non, phổ thông như sau: “Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương…”.
“Khi các trường phổ thông trực thuộc sở, Sở GD-ĐT sẽ thuận lợi trong việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19” – Sở GD-ĐT TP.HCM nêu.
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, việc sắp xếp với phương án như trên có thuận lợi, do sở là cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND TP trong quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo các bậc học mầm non, phổ thông, GDTX, GDNN, giáo dục chuyên biệt nên có đủ nhân lực quản lý, đảm bảo đồng bộ chất lượng giáo dục từ cấp mầm non trở lên.
Tuy nhiên, sẽ có khó khăn là Sở GD-ĐT chịu áp lực lớn về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo, nhân viên; công tác tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục.
Yến Hoa
Bình luận (0)