Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định tiết tăng cường tiếng Anh không được quy đổi thành tiết nghĩa vụ

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 10-10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản trả lời Tạp chí Giáo dục TP.HCM sau loạt bài viết về giáo viên tiếng Anh tiểu học tại TP.HCM.

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu địa phương đánh giá lại thực tế thừa, thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học hiện nay căn cứ theo đúng số tiết nghĩa vụ theo quy định của Bộ GD-ĐT

Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, các tiết bổ trợ với giáo viên nước ngoài hoặc với phần mềm bổ trợ theo các tài liệu là các tiết bổ trợ tăng cường, không phải là dạy các tiết theo chương trình, sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT thẩm định; những tiết có thu phí của học sinh và giáo viên, được thỏa thuận chi trả mức phí hỗ trợ đều không phải là chương trình tiếng Anh trong Chương trình GDPT 2018 nên các tiết này không phải là các tiết có tính pháp lý để tính tiết nghĩa vụ.

“Tiết “đồng giảng” là thuật ngữ về chuyên môn, có nghĩa là khi giáo viên nước ngoài dạy sẽ cần trợ giảng. Ở đây trợ giảng có thể là nhân viên của các công ty dạy phối hợp với nhà trường, có thể là giáo viên tiếng Anh của nhà trường. Tuy nhiên, để công việc trợ giảng có hiệu quả, giáo viên có tay nghề, nghiệp vụ sẽ “đồng giảng” với giáo viên nước ngoài. Ví dụ như tham gia soạn giáo án, phân chia công việc luyện tập cho học sinh chứ không chỉ đơn thuần giúp giáo viên nước ngoài giữ trật tự” – Sở GD-ĐT phân tích.

Theo Sở GD-ĐT, thực tế “dôi dư giáo viên tiếng Anh” một số địa phương là thừa thiếu cục bộ của các trường và hiệu trưởng sẽ phân công giáo viên thực hiện đầy đủ các tiết nghĩa vụ.

Việc phân công giáo viên tiếng Anh tiểu học, Sở GD-ĐT hướng dẫn như sau:

Giáo viên được phân công dạy lớp 3, 4, 5 các tiết theo quy định của Chương trình GDPT 2018. Nếu chưa đủ tiết nghĩa vụ, phân công tiếp các tiết tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 cho đủ định mức.

Nếu vẫn chưa đủ thì tổ khối chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học để dạy các tiết tăng cường tiếng Anh, ôn tập, phụ đạo, luyện tập, củng cố nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

Đánh giá tổng thể, Sở GD-ĐT cho biết, giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học toàn thành phố đang thiếu, Sở GD-ĐT đang xây dựng Đề án thu hút giáo viên. Việc thừa thiếu cục bộ giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học hiện nay có thể chỉ xảy ra ở cá biệt một số trường; một số quận huyện; công tác rà soát, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều động, luân chuyển giáo viên thuộc thẩm quyền của phòng GD-ĐT các quận huyện và thành phố Thủ Đức.

Làm thế nào để đánh giá đúng số lượng giáo viên cần có của mỗi trường?

Để đánh giá đúng số lượng giáo viên tiếng Anh cần có đối với mỗi trường tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu, các phòng GD-ĐT cần xác định chính xác số lượng viên chức vị trí giáo viên tiếng Anh thừa, thiếu của từng trường tiểu học công lập bằng cách căn cứ vào số lớp bắt buộc học ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5) và số lớp tự chọn học ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2) để tính định mức số lượng người làm việc vị trí giáo viên môn tiếng Anh, sao cho 1 giáo viên tiếng Anh phải giảng dạy trong một tuần với định mức là 23 tiết nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 quy định về chế độ làm việc với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT.

Trong đó, chưa tính chế độ giảm định mức tiết dạy (nếu được phân công kiêm nhiệm) và được quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy của giáo viên (nếu được phân công) theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 quy định về chế độ làm việc với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT.

Việc tiếp theo, phòng GD-ĐT phải xây dựng kế hoạch giải quyết để trình UBND quận, huyện xem xét phê duyệt; cụ thể:

Giải quyết chuyển công tác viên chức từ trường thừa sang trường thiếu trong quận/ huyện: chuyển đến trường cùng cấp học hoặc chuyển đến trường trung học cơ sở hoặc chuyển đến trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên với điều kiện những trường hợp thuộc diện chuyển công tác phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của cấp học cao hơn chuyển đến.

Phối hợp giải quyết chuyển công tác viên chức giữa các quận/huyện với nhau.

Tạo điều kiện cho các trường hợp muốn đi học văn bằng 2 về các ngành phù hợp với vị trí việc làm mà trường chưa có đủ số lượng người làm việc theo định mức quy định.

“Quy trình giải quyết chuyển công tác phải vừa đảm bảo sự công khai, minh bạch và phải vừa đảm bảo quyền, nghĩa vụ của viên chức” – Sở GD-ĐT thành phố nhấn mạnh.

Trước đó, Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã phản ánh thực tế tại quận Gò Vấp do dừng thực hiện quy đổi tiết nghĩa vụ đối với tiết đồng giảng với người nước ngoài đã dẫn đến việc dư giáo viên tiếng Anh tiểu học cục bộ trên toàn quận.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)